Ông Toàn cho rằng, chú trọng tới cư dân, hiểu thị hiếu của cư dân là tư duy để tạo ra đô thị bền vững.
KTS-TS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Văn Phú - Invest phát biểu tại Tọa đàm. |
Đô thị hoá và nhu cầu sống
Tại Tọa đàm về không gian sống trong đô thị hiện đại với chủ đề “Những yếu tố an cư thời hiện đại” diễn ra tuần qua, KTS. Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa là 3 trụ cột của nền kinh tế. Phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đô thị hóa”.
Theo ông Chiến, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Ngoài mặt mạnh, ưu việt của đô thị hóa là mang đến yếu tố văn minh, thì đô thị hóa cũng lấy đi cảnh quan, môi trường sinh thái và nền văn hóa truyền thống nếu không được quan tâm đúng mức đến quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị một cách đầy đủ, bài bản. Thực tế, đã có nhiều làng xóm yên bình ven đê bỗng chốc trở thành khu dân cư nhếch nhác, lôn xộn, xây dựng bừa bãi thiếu quy hoạch… khiến cảnh quan trở nên rất xấu xí.
Trong đô thị hiện đại, bên cạnh các căn hộ tiện nghi với đồ dùng thông minh, thì vấn nạn còn tồn tại là khói bụi, tiếng ồn, là các không gian sinh hoạt cộng đồng thiếu thốn như thiếu công viên, vườn hoa, xây xanh, thiếu nhu cầu đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa, thiếu dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của mỗi dân cư.
Theo ông Chiến, do chạy theo lợi nhuận, mà nhiều chủ đầu tư bất chấp những vấn đề trên, ra sức xây dựng nhà để bán. Điều họ quan tâm dường như chỉ là làm sao bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng, để lại nhiều hệ lụy.
Đồng quan điểm, PGS-TS-KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới đặt vấn đề: “Cách đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị. Với những gì đang diễn ra, chúng ta quay lại câu hỏi thế nào là không gian sống có chất lượng tốt”.
Song, bên cạnh những điều đáng buồn ấy, cũng có không ít chủ đầu tư đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh lên hàng đầu và họ không ngừng nghỉ trên hành trình xây đắp, chuyên tâm tạo những giá trị sống đích thực. Có thể nhắc đến như Tập đoàn Văn Phú - Invest, Capital House, Phúc Khang Corporation hay Ecopark…
Dự án The Terra - An Hưng của chủ đầu tư Văn Phú - Invest với thiết kế kiến trúc xanh. |
Thế nào là một không gian đáng sống?
Không gian sống xanh là xu hướng tất yếu của những đô thị hiện đại, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để mỗi dự án thực sự trở thành một nơi đáng sống.
Ông Đỗ Viết Chiến chỉ ra, phải làm sao để tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Để có một đô thị đáng sống, từ Nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh.
“Đô thị xanh không chỉ là nhiều cây xanh. Hiểu đầy đủ nó phải là tự cân bằng N2, giảm phát thải cacbon, khí nhà kính vào môi trường, kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị. Đó cũng chính là yếu tố an cư tối thiểu thời hiện đại”, ông Chiến nói.
Bàn về định nghĩa một đô thị xanh, ông Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh, với một đô thị, đầu vào bao gồm thức ăn, nước sạch, các nguồn năng lượng; đầu ra là nước bẩn, rác, chất thải rắn.
“Như vậy, muốn một đô thị xanh thì phải giảm thiểu đầu vào, đồng thời làm sạch đầu ra. Phát triển đô thị bền vững sẽ bao gồm nhiều yếu tố như kinh tế, xã hội, giao thông, cấu trúc đô thị, năng lượng vật liệu. Nhiều yếu tố được nhắc đến hiện nay để có một khu đô thị bền vững, đó là phòng chống lụt, sử dụng giao thông hợp lý, cây xanh, khai thác yếu tố tự nhiên trong công trình, tận dụng nguồn nước”, ông Nguyên chia sẻ.
Chủ tịch Văn Phú - Invest Tô Như Toàn cũng nhận định: “Yếu tố đầu tiên khi phát triển dự án, doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: đối tượng sử dụng là ai? Đó chính là các cư dân. Họ sống ở trong không gian tại các đô thị đó”.
Ông Toàn nhấn mạnh, bản chất để kiến tạo không gian sống phải cần sự hỗ trợ của Nhà nước, việc xây dựng của các doanh nghiệp và sự chung tay của cư dân.
Phân tích về thế nào là không gian sống chất lượng, ông Toàn cho rằng, cư dân là người sử dụng các không gian đó có bền vững hay không. Rõ ràng, người sử dụng là cư dân nên xây dựng đô thị thông minh và xanh phải để người dân hiểu được bản chất đó và chắc chắn phải cho họ tham gia và đóng góp. Sau khi xây dựng xong, phải có sự đào tạo, hướng dẫn các cư dân tham gia chung tay duy trì sự bền vững này.
Cũng theo ông Toàn, nếu không tuyên truyền, không hướng dẫn cư dân trong các đô thị để họ hiểu được khái niệm cũng như cách sử dụng, thì các đô thị thông minh, đô thị xanh sẽ chỉ nêu ra để đấy. Nhà đầu tư cần đồng hành sâu hơn về vấn đề này. Làm sao song hành với cư dân thì mới bền vững được.
Liên quan đến bài toán phát triển không gian sống, ông Toàn chia sẻ: “Trước đó, chúng ta nói đến nhu cầu về không gian sống, còn bây giờ là môi trường sống xung quanh, có nghĩa là các dịch vụ tiện ích, môi trường phục vụ nhu cầu cuộc sống của cư dân. Quan trọng hơn nữa, bây giờ còn là người sống cạnh mình là ai. Môi trường sống có tốt mấy, không gian sống có tốt mấy, thì người bên cạnh mình như thế nào, có hài hòa hay không cũng vô cùng quan trọng”.
Không gian sống chính là phong thủy
Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam thì phong thủy đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay, chúng ta cũng nên cân nhắc đến trong xây dựng. Xây nhà cần xem hướng, mua nhà đất phải xem hàng xóm như thế nào; điện, đường, trường, trạm ra sao.
Ông Doanh nêu vấn đề, nếu chủ đầu tư chú ý đến yếu tố phong thủy, thì người mua nhà sẽ an tâm hơn.
“Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm yếu tố phong thủy, nhưng chưa nhiều. Các yếu tố phong thủy cần có sự dung hoà với nhau. Nhà phát triển dự án nếu có thể thoả mãn người dân, thì đó là yếu tố tốt nhất. Đặc biệt, hướng cư dân đến không gian tâm linh nhất định thì sẽ không có sự sửa chữa, tự xây dựng, cơi nới của cư dân, điển hình là không gian ban thờ”, ông Doanh nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Toàn cũng chia sẻ, nếu những nhà phát triển bất động sản chú ý từ đầu đến phong thủy thì khi cư dân về ở không cần sửa chữa, sẽ rất tiết kiệm. Thực tế các dự án bất động sản, khi người dân về thường thay đổi bàn thờ và nhà bếp theo nhu cầu của mình.
“Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta không cần thiết phải làm hết, vì chúng ta không thể làm hài lòng với hàng ngàn khách hàng trong một khu chung cư. Đối với nhà cao tầng, yếu tố phong thủy cũng tối giản hơn, chúng ta không thể để vệ sinh ở trên bếp chẳng hạn. Chúng ta chú trọng đến không gian và làm sao để cư dân họ hiểu, chia sẻ với chủ đầu tư. Điều quan trọng nhất, theo tôi là đáp ứng các yêu cầu của cư dân về không gian sống”, ông Tô Như Toàn nói.