UKVFTA thúc đẩy thương mại song phương
Phát biểu tại Hội thảo “Năm đầu thực thi UKVFTA, thành tựu và định hướng”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Vương quốc Anh tăng trưởng ấn tượng nhờ UKVFTA, đạt 6,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng hơn 17% so với năm 2020.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh hơn 5,7 tỷ USD, tăng gần 15%; nhập khẩu từ Anh hơn 800 triệu USD. Như vậy, Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD sang Anh ngay trong năm đầu thực thi UKVFTA.
“Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng kỳ tích và đã trở lại như trước khi Covid-19 xảy ra. Điều này cho thấy, UKVFTA là tuyến đường ‘cao tốc hai chiều’, giúp thúc đẩy thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Nhìn lại một năm thực thi UKVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, UKVFTA được thực thi trong bối cảnh 2 bên đều khó khăn do đại dịch, nhưng Hiệp định đã giúp chuyển đổi quan hệ thương mại song phương lên một tầm cao mới.
Dù UKVFTA mới đi vào thực thi chưa lâu, chưa thể đánh giá đầy đủ, toàn diện, nhưng số liệu xuất nhập khẩu tăng trưởng 2 con số đã phần nào nói lên tác động tích cực, thực chất của Hiệp định.
Ông Thái dẫn chứng, dù mức thuế ở năm đầu tiên thực thi UKVFTA chưa được giảm nhiều, nhưng nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang Anh vẫn đạt mức tăng trưởng khá, như nông sản, rau quả, hạt tiêu, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt thép… Đặc biệt, ngành rau quả đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 67%.
Lý giải về kết quả ấn tượng của ngành rau quả, ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, các doanh nghiệp khai thác được thị trường Anh đều có sự chuẩn bị từ sớm, am hiểu thị trường để mang tới khách hàng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng cam kết trong UKVFTA.
Thay đổi, thích ứng để khai thác tốt dư địa
Vương quốc Anh là thị trường rộng lớn với nhu cầu nhập khẩu trên 700 tỷ USD hàng hóa/năm, nhưng đến nay, hàng Việt mới chỉ chiếm chưa đến 1% con số này. Dư địa để khai thác thị trường Anh còn rất lớn, nếu các ngành hàng, doanh nghiệp thay đổi, thích ứng và tận dụng tốt cơ hội.
Từ đầu năm 2021, ngay sau khi UKVFTA có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Ông Đinh Cao Khuê cho biết, các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như thanh long (Bình Thuận), vải Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn (Sơn La), xoài (Đồng Tháp), chanh leo (Tây Nguyên)… có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm từ Nam Mỹ hay các quốc gia chưa có FTA với Anh, nhưng để có thể xuất khẩu sản lượng lớn, lâu dài vào thị trường này, thì chất lượng nông sản vẫn phải là yêu cầu số 1.
Lãnh đạo Doveco đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần quy hoạch vùng trồng, quy định chặt chẽ về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn chuyên môn cho nông dân... Với các doanh nghiệp, nên tập trung đầu tư vùng nguyên liệu; đầu tư nhà máy chế biến với công nghệ, thiết bị nhà xưởng đạt chuẩn; tích cực tham gia các hội chợ trái cây tại Anh và châu Âu để tiếp cận khách hàng.
Thị trường Anh rất “khó tính”, yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, nhất là với nông sản. Các chuyên gia cho rằng, trừ những doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm giao thương quốc tế với thị trường tiêu chuẩn cao, có bộ phận hỗ trợ pháp lý, thì phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cần được hỗ trợ để có thể đáp ứng quy định và tận dụng được những ưu đãi từ UKVFTA.
Đơn cử, về hạn ngạch xuất khẩu gạo, phía Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch nhất định với mức thuế 0%. Tuy nhiên, sau một năm UKVFTA đi vào thực thi, thì nghị định hướng dẫn thực hiện chứng nhận chủng loại gạo thơm mới được ban hành và doanh nghiệp cần thông tin cụ thể hơn để có thể khai thác hiệu quả lợi thế này.