Hôm nay, 5/9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước nô nức đến trường dự lễ khai giảng. Năm học mới 2020-2021 chính thức bắt đầu.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh năm học này tăng hơn 900.000 em so với năm học 2019-2020.
Năm học 2020-2021 là một năm học đặc biệt với ngành giáo dục và đào tạo, năm học đầu tiên triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong các nhà trường triên khắp cả nước, bắt đầu với lớp 1. Đây cũng là năm học mà ngành giáo dục sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện nhiệm vụ mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Mở trang sách mới
Từ năm học này, những cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình cũ, còn được gọi là chương trình năm 2000, sẽ không còn được xuất bản.
Trên mặt bàn, những bàn tay học sinh lớp 1 nhỏ xinh sẽ được mở những trang sách mới tinh, với chương trình hoàn toàn mới, lần đầu tiên được giảng dạy ở các nhà trường, đó là sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo mất 5 năm “thai nghén,” thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Theo đó, giáo dục phổ thông sẽ không quá nhiều các kiến thức hàn lâm, không nặng lý thuyết, không truyền thụ kiến thức một chiều mà được chắt lọc các kiến thức cơ bản, thiết thực, với mục tiêu giáo dục là hình thành năng lực, phẩm chất cho người học. Lần đầu tiên, ngành giáo dục đặt ra mục tiêu cụ thể cần đạt được cho “sản phẩm” của mình với 5 phẩm chất, 10 năng lực cùng các biểu hiện mức độ cụ thể của từng phẩm chất, năng lực sau mỗi năm học. Cụ thể, học sinh sẽ được hình thành 5 phẩm chất gồm yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ, nhân ái; 10 năng lực gồm năng lực thể chất, thẩm mỹ, tin học, công nghệ, khoa học, toán học, ngôn ngữ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự chủ và tự học.
Số lượng học sinh các cấp năm học 2020-2021 |
Đây cũng là lần đầu tiên học sinh, phụ huynh, giáo viên có đến 5 bộ sách giáo khoa để lựa chọn thay vì chỉ có một bộ duy nhất như trước đây. Lần đầu tiên các giáo viên được tự đánh giá, lựa chọn các sách phù hợp với khả năng, đặc thù dạy và học của bản thân, địa phương và học sinh mình.
Để chuẩn bị tốt cho “viên gạch” đầu tiên, ngay trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở trực thuộc, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trên cả nước đề nghị ưu tiên chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho lớp 1. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các nhà trường, địa phương ưu tiên bố trí nhân lực, tập huấn kỹ cho giáo viên lớp 1, ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, trang thiết bị giáo dục… cho lớp 1. Các nhà trường, nhất là các trường ở khu vực đô thị, cố gắng hết sức để giảm sỹ số nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai chương trình mới.
Chỉ đạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các sở rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.
“Năm học 2020-2021, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1,” ông Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học tổ chức ngày 25/8.
Song song với việc triển khai chương trình mới ở lớp 1, năm học này, ngành giáo dục sẽ phải tiếp tục chuẩn bị các công tác để thực hiện chương trình giáo mới ở lớp 2 vào năm sau, như bồi dưỡng giáo viên, thẩm định sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất…
Năm học đặc biệt với học sinh lớp 1 (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Mục tiêu kép
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các hoạt động giáo dục trong năm học 2020-2021 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ngành giáo dục sẽ phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học. Nhiều giải pháp đã được đặt ra.
Trong Chỉ thị về nhiệm vụ năm học mới vừa được ban hành ngày 1/9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phải lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp. Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học.”
Số lượng học sinh hai năm học 2019-2020 và 2020-2021. |
Để giáo dục trực tuyến có thể triển khai bài bản hơn, hiệu quả hơn, trở thành một phần của giáo dục thường xuyên trong nhà trường chứ không chỉ là một giải pháp tình thế như trong học kỳ hai của năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút hoàn thiện thông tư quy định về dạy trực tuyến. Theo ông Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tư khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. Hiện dự thảo thông tư đã được Bộ công bố để lấy ý kiến góp ý của công luận trước khi ban hành chính thức.
Hôm nay, 5/9, Ngày khai giảng năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Nhưng các trường học ở vùng dịch đã phải thực hiện lễ khai giảng trực tuyến thay vì trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có lễ khai giảng đặc biệt như vậy. Học sinh mặc trang phục chỉnh tề và ngồi… trước màn hình máy tính, chào cờ, hát quốc ca, nghe hiệu trưởng đọc thư của Chủ tịch nước…
Lễ khai giảng đặc biệt cho một năm học đặc biệt bắt đầu.../.