Buổi Tổng kết chương trình “Cùng bước vì tương lai” do ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Trường đại học Tôn Đức Thắng đồng tổ chức diễn ra chiều 26/12 tại TP.HCM.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Trách nhiệm của Thanh niên hành động giảm tác động của Biến đổi Khí hậu” trong khuôn khổ lễ tổng kết, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Thiên tai, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Thiên nhiên - Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề được tất cả các quốc đang quan tâm, các nhà khoa học đang tìm hiểu liệu có mối tương quan giữa biến đổi khí hậu và các dịch bệnh, điều kiện đi lại dẫn đến sự bùng phát trên quy mô toàn cầu dịch bệnh gần đây.
Tại Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Với những diễn biến phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết thời gian gần đây dẫn tới những tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân khu vực ĐBSCL, đây là khu vực được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm.
Các diễn giả khách mời sự kiện Tọa đàm - Ông Nguyễn Hiếu Tín, bạn Lê Vinh Trường, ông Lê Anh Tuấn, bà Đặng Thị Kim Phụng và bà Hoàng Phương Thảo (từ trái sang) |
Đáng chú ý, PGS. TS Lê Anh Tuấn dẫn đánh giá, dự báo của nhiều tổ chức cho thấy năm 2020 và trước đó, dấu hiệu thay đổi thời tiết cực đoan thiên tai đã diễn ra ngày càng rõ ràng hơn, nhiều bằng chứng cho thấy diễn biến hiện tượng biến đổi khí hậu tới giai đoạn 2030 – 2070 và thậm chí đến cuối thế kỷ này đang diễn tiến nhanh hơn các dự báo từ mô hình máy tính mô phỏng với nhiều kỷ lục bị phá vỡ. Trong đó đặc biệt. có những kỷ lục về khô hạn đã bị phá vỡ tại khu vực ĐBSCL của Việt Nam.
“Điều này dẫn tới cảnh báo mà nhiều nhà khoa học đã đưa ra là mùa khô năm 2021 và những năm tới đây tại ĐBSCL có khả năng sẽ thiếu nước và diễn biến khốc liệt hơn trước. Ngược lại lũ lụt tại miền Trung gia tăng với hậu quả ngày càng nghiêm trọng, đây là cảnh báo rất rõ ràng đặt ra vấn đề các nhà hoạch định chính sách cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn các quyết định trong các chính sách phát triển tới đây ở tầm quy mô quốc gia”, PGS. TS Tuấn khuyến nghị.
Theo phân tích của vị chuyên gia, nhiều dấu hiệu cho thấy nhiệt độ trên toàn cầu đang gia tăng nhanh hơn, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì tới năm 2030 nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 0,5 độ C. Từ đó dẫn tới lượng mưa biến đổi thất thường, đầu mùa mưa lượng mưa giảm song cuối mùa mưa lại mưa rất lớn gây ngập úng, triều cường, thiên tai dồn dập bất thường. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực ĐBSCL có mật độ dân cư đông, số người nghèo vẫn còn tương đối nhiều dẫn tới mức độ tổn thương gia tăng.
Các chuyên gia thống nhất với nhận định và các giải pháp mà TS. Đặng Thị Kim Phụng, Trưởng nhóm nghiên cứu Lý thuyết và các vấn đề xã hội toàn cầu (GIST) thuộc Đại học Tôn Đức Thắng đề xuất. Đó là cần nghiên cứu và có các giải pháp thực tiễn để giảm thiểu tác động từ sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm bớt dần sử dụng năng lượng hóa thạch và phát triển các loại năng lượng tái tạo xanh, sạch thân thiện với môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng đồng thời cũng đảm bảo giữ gìn môi trường, giảm tác động.
Cũng theo TS Đặng Thị Kim Phụng, thanh niên, thế hệ trẻ nói chung đóng vai trò lớn trong việc tham gia thay đổi hành vi và có tác động lớn tới thay đổi biến đổi khí hậu. “Thanh niên là nhóm tiêu thụ nhiều nhất trong xã hội, có vai trò lớn cho tương lai, do đó vấn đề đặt ra tại Tọa đàm là phù hợp và cần thiết nhằm lan tỏa tới rộng khắp tới các bạn trẻ trong toàn xã hội để tăng cường nhận thức và hành động nhằm giảm thiểu các tác động này”, TS Phụng nhấn mạnh.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện AAV tại Việt Nam cho biết cùng với tạo sinh kế bền vững cho người dân thì việc giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu là 2 mục tiêu ưu tiên của AAV trong giai đoạn 2018-2023 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội cùng chung tay với Chính phủ trong các nỗ lực và chương trình hành động thực tiễn để giảm thiểu các tác động và nâng cao hiệu quả ứng phó.
Chương trình tại Việt Nam đã đồng hành cùng 2 triệu người trên 40 quốc gia tham gia phong trào đi bộ, có lối sống xanh hơn và tiết kiệm hơn với mục tiêu cần hành động ngay để gìn giữ môi trường toàn cầu.
Theo bà Thảo, biến đổi khí hậu không chỉ liên quan thời tiết, tiêu dùng mà còn liên quan đến vấn đề công lý trên bình diện xã hội, sự công bằng giữa các quốc gia trong việc ứng xử trước các tác động tới toàn cầu. Do đó, cùng với các giải pháp và nỗ lực trực tiếp của toàn xã hội tại các quốc gia trong việc giảm phát thải nhà kính thì trên bình diện chính sách, rất cần có các chính sách công bằng thuế, chính sách khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh sạch hơn để đảm bảo cơ hội thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững công bằng đối với mọi quốc gia.
Cũng tại buổi Tọa đàm, các sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng và các bạn trẻ đã thảo luận thực trạng về tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường, xã hội, kinh tế, y tế và giáo dục, đặc biệt ở khu vực Mekong Việt Nam, đồng thời đưa ra sáng kiến trực tiếp với các chuyên gia với vai trò quyết định của thanh niên trong các phong trào tạo ra sự thay đổi và cân bằng sinh thái cộng đồng. Trong Gala “Gặp gỡ Sài gòn” trong khuôn khổ lễ tổng kết , Ban Tổ chức chương trình đã trao tặng giấy chứng nhận cho các cá nhân và nhóm xuất sắc trong chương trình “Cùng bước vì tương lai”.
Tại Việt Nam, “Cùng bước vì tương lai” được AAV tại Việt Nam phối hợp với các bên liên quan cùng tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thanh niên Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chương trình được thực hiện từ 10/11-4/12/2020, dự kiến đến trước 4/12/2020 sẽ có 5.000 người tham gia chương trình và đi được quãng đường 7.880 km (là khoảng cách giữa Hà Nội và Nairobi – nơi đặt văn phòng chính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc). Sau một tháng, Chương trình đã thu hút gần 500 người trong cả nước đăng ký và đã đi được khoảng cách là hơn 12.000 km.