Ngày 26/6, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (VAERD) cùng với Quỹ Môi trường toàn cầu chương trình tài trợ các dự án nhỏ đã tổ chức hội thảo "Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng- Từ diễn đàn đến khuyến nghị chính sách”.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo đánh giá từ các tổ chức môi trường quốc tế, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia đứng thứ 8 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của nước biển dâng. Trước sự việc trên, Việt Nam đã tham gia và cam kết trở thành một thành viên có trách nhiệm của nhiều công ước quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu (Công ước chống biến đổi khí hậu; Công ước chống sa mạc hóa; Công ước RAMSA ...). Ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định Số: 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các chuyên đề về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, thảo luận trao đổi sâu về các chuyên đề; qua đó tạo cơ hội kết nối người dân, cộng đồng và các bên liên quan học tập lẫn nhau, cùng nhau nâng cao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về thích ứng biến đổi khí hậu...
Những vấn đề thảo luận tại hội thảo cũng mở ra nhiều giải pháp nhằm góp phần giúp người dân gắn kết tốt việc cải thiện sinh kế bền vững, tạo thu nhập và việc làm trong các điều kiện khó khăn trong khi vẫn bảo vệ được tài nguyên môi trường, không làm suy thoái đất. Thông qua việc thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng với các hoạt động cụ thể như sử dụng đất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, canh tác hay nuôi trồng thủy sản..
Theo GS-TS Phạm Vân Đình, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - VAERD, những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu có tính sáng tạo cao, trong đó có mô hình tạo sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Từ quá trình trải nghiệm, cộng đồng đã từng bước tìm ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nảy sinh những sáng kiến, đúc kết thành tri thức, kinh nghiệm, được kiểm nghiệm qua thời gian, đã có sự chọn lọc và thích nghi với đặc điểm văn hóa và môi trường, phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội của các cộng đồng khác nhau.
Trên thực tế đã có nhiều mô hình, trong đó có những mô hình được triển khai đã hỗ trợ cho người dân, cộng đồng, như mô hình canh tác hành tím thích ứng với đất bị hạn hán và xâm nhập mặn ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa sang luân canh lạc và ngô, xen canh ngô và sắn để tiết kiệm nước ở Đồng Xuân - Phú Yên; mô hình sử dụng các giống lúa chịu hạn, chịu mặn (Phú Yên, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Bình Định, Thừa Thiên Huế); Mô hình canh tác tiết kiệm nước (Quảng Trị, Sóc Trăng, Phước Long); mô hình tạo mương đồng mức và trồng rừng để giảm tác động của lũ quét ở Thanh Hóa; mô hình trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị ...
GS-TS Phạm Vân Đình cho rằng, thực tế cho thấy các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu không thể tiến hành một cách riêng rẽ mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng dân cư và các bên liên quan. Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cần có sự tham gia của cả cộng đồng ở cơ sở .
Cũng theo GS-TS Phạm Vân Đình, trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu, các cộng đồng đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên những hỗ trợ dựa trên tiếp cận nâng cao năng lực cộng đồng còn ít được chú ý. Và đây chính là vấn đề được Dự án Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng- Từ diễn đàn đến khuyến nghị chính sách quan tâm và mong muốn được góp phần giải quyết thông qua các khuyến nghị về chính sách.
“Những vấn đề trên cần được chia sẻ, được phổ biến và nhân rộng cho các cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và giải pháp có hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.Tiếp cận này sẽ giúp người dân gắn kết tốt việc cải thiện sinh kế bền vững, tạo thu nhập và việc làm trong các điều kiện khó khăn trong khi vẫn bảo vệ được tài nguyên môi trường. Thông qua việc thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với các hoạt động cụ thể như sử dụng đất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, canh tác hay nuôi trồng thủy sản”, ông Đình nêu quan điểm.