Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. |
Mục tiêu chung của Chương trình là đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất của các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc 5 ngành: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và các dịch vụ liên quan.
Cụ thể, đến năm 2015, hoàn thành nghiên cứu, xác định các vùng tiềm năng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và mô hình cụm ngành phù hợp để triển khai thí điểm phát triển 5 cụm ngành cho 5 lĩnh vực: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và các dịch vụ liên quan; hoàn thành rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành/lĩnh vực và vùng kinh tế để xác định định hướng thu hút đầu tư theo hướng hình thành phát triển các cụm ngành.
Đến 2020, về cơ bản hình thành được 5 cụm ngành thí điểm tại các vùng tiềm năng đã xác định; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cao năng lực doanh nghiệp, hỗ trợ liên kết, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ phục vụ việc nâng cấp chuỗi giá trị và hình thành cụm ngành công nghiệp.
Hình thành cụm ngành đặc trưng ở các địa phương
Theo Chương trình, sẽ nâng cấp và hình thành các cụm ngành đặc trưng ở một số địa phương. Cụ thể: Cụm ngành điện tử gia dụng ở Bình Dương; Cụm ngành điện tử nghe nhìn ở khu vực các tỉnh/thành phố Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, Hải Dương; cụm sản phẩm công nghệ thông tin và dịch vụ liên quan ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Cụm ngành dệt sợi và may mặc ở khu vực các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang; cụm ngành may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh (chuyên về cung ứng nguyên phụ liệu và dịch vụ) và khu vực miền Trung (chuyên về ODM).
Cụm ngành chế biến sản phẩm thủy sản ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ; cụm ngành chế biến thủy sản và nông sản ở các tỉnh duyên hải và cao nguyên miền Trung; cụm ngành chế biến nông sản ở các tỉnh trung du phía Bắc.
Cụm ngành máy và thiết bị nông nghiệp ở khu vực các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và cụm ngành tại khu vực các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai.
Cụm du lịch Hải Phòng – Quảng Ninh phát triển các sản phẩm du lịch tham quan thưởng ngoạn thắng cảnh và sinh thái biển; Cụm du lịch Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế - Quảng Nam phát triển cụm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh, tìm hiểu di sản văn hoá; Cụm du lịch Khánh Hoà – Bình Thuận phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày, vui chơi giải trí đô thị, tham quan khám phá cảnh quan, thể thao biển; Cụm du lịch Bình Định – Phú Yên – Ninh Thuận phát triển theo các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với thiên nhiên hoang sơ; Cụm du lịch thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng biển và giải trí đô thị; Cụm du lịch đảo Phú Quốc với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá đảo.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 2 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp chính sách bao gồm: Thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Nhóm giải pháp hỗ trợ thông qua các dự án ưu tiên thực hiện Chương trình gồm: Các dự án chung (4 dự án); các dự án theo ngành (8 dự án); trong đó có dự án Tăng cường năng lực cho các cơ sở nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ việc nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; dự án Hỗ trợ hình thành liên kết đào tạo nhân lực giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp công nghiệp/dịch vụ phục vụ việc nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cấp, hình thành cụm ngành; dự án Thiết lập hệ thống logistics thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, cung ứng, chế biến và tiêu thụ lúa gạo khu vực phía Nam; dự án Phát triển thí điểm cụm ngành và nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ngành du lịch và các dịch vụ liên quan…
Quang Hưng