Theo dự thảo thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vừa được Cục Hàng không trình Bộ Giao thông vận tải, ngoài việc phải bồi thường khi hủy chuyến như hiện nay hãng hàng không phải bồi thường khi chuyến bay chậm hơn 4 tiếng so với giờ khởi hành.
Hai điểm đáng chú ý trong dự thảo là mức tiền bồi thường sẽ được tăng lên và hành khách có quyền kiện dân sự với hãng hàng không về việc bồi thường |
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Quyết định số 10/2007/QĐ - BGTVT ngày 27/2/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (Quyết định 10) đã được ban hành 8 năm nên mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến, hành khách bị từ chối vận chuyển là thấp so với mặt bằng giá hiện nay, không thỏa mãn yêu cầu của hành khách.
"Do vậy, việc sửa đổi quy định về mức bồi thường là cần thiết", ông Cường cho biết.
Ngoài trường hợp hủy chuyến, hành khách bị từ chối vận chuyển, giai đoạn hiện nay, các chuyến bay bị chậm kéo dài cũng gây nhiều bức xúc cho hành khách. Quyết định 10 chưa quy định việc bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với các chuyến bay bị chậm kéo dài, dự thảo Thông tư cũng đã bổ sung nội dung quy định người vận chuyển phải bồi thường trong trường hợp này.
Đây cũng chính là hai điểm mới trong dự thảo là mức tiền bồi thường sẽ được tăng lên và hành khách có quyền kiện dân sự với hãng hàng không về việc bồi thường.
Cụ thể, với chuyến bay nội địa bị hủy, chậm chuyến trên 4 giờ có mức bồi thường tăng 100 ngàn đồng so với quy định hiện hành. Như vậy, chuyến bay có độ dài dưới 500 km mức đền bù 200 ngàn đồng; từ 500 km đến dưới 1.000 km bồi thường 300 ngàn đồng; từ 1.000 km trở lên bồi thường 400 ngàn đồng.
Tuy nhiên, dự thảo thông tư vẫn giữ nguyên mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế giữ nguyên với mức bồi thường 25 USD cho chuyến bay dưới 1.000 km, 50 USD cho chuyến bay từ 1.000 đến 2.500km, 80 USD cho chuyến bay có đội dài từ 2.500 đến dưới 5.000 km, 150 USD cho chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên. Giải thích điều này, một thành viên tổ soạn thảo thông tư cho biết mức bồi thường đối với các chuyến bay quốc tế được tính bằng USD nên yếu tố trượt giá không lớn nên tổ soạn thảo cùng các hãng hàng không thống nhất giữ nguyên.
Dự thảo thông tư cũng quy định, trường hợp hành khách không nhận được tiền bồi thường hoặc cho rằng mức bồi thường chưa phù hợp với quy định của thông tư, hành khách gửi văn bản (chấp nhận văn bản điện tử) theo mẫu đến hãng hàng không trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chuyến bay dự kiến cất cánh để yêu cầu hãng hàng không trả tiền bồi thường. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, hãng hàng không có nghĩa vụ trả lời hoặc trả tiền cho hành khách. Hành khách có thể khởi kiện hãng hàng không theo pháp luật dân sự về việc bồi thường trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chuyến bay dự kiến cất cánh.
Để giám sát việc bồi thường, dự thảo thông tư quy định cảng vụ Hàng không chủ trì cùng các hãng hàng không xây dựng quy chế giám sát thực hiện các quy định bồi thường chậm, hủy chuyến; hãng hàng không có trách nhiệm thông báo cho cảng hàng không, cảng vụ để cập nhật thông tin, giám sát việc bồi thường cho hành khách; hàng ngày hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo cảng vụ số lượng hành khách được bồi thường, tổng số tiền bồi thường cho các chuyến bay tại mỗi cảng hàng không.
"Thượng đế" bớt khổ với máy bay chậm chuyến, hủy chuyến Chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không nội địa đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể trong tháng 7/2014, khi tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay bình quân đã được đưa về mức 21,8%. |
Anh Minh