Quan hệ giữa tốc độ tăng và mức tuyệt đối không chỉ thể hiện ở năng suất lao động, mà có tính phổ biến đối với nhiều chỉ tiêu khác (như GDP). Khi có mức tuyệt đối còn thấp, thì tốc độ tăng là con đường để tăng mức tuyệt đối, nhằm tránh tụt hậu xa hơn. Nhưng cũng không vì tốc độ tăng cao mà đã chủ quan thỏa mãn khi mức tuyệt đối còn thấp, vì giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên rất khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực, vùng, hay các nền kinh tế khác nhau.
Tốc độ tăng năng suất lao động cao
Tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh của Việt Nam trong một số năm gần đây (người viết tạm tính) cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động (theo giá so sánh) của Việt Nam thuộc loại cao. Cụ thể, năm 2016 và 2017 là 6,2%, năm 2018 và năm 2019 là 6,6%, năm 2020 gần 4%, năm 2021 lên tới 12%.
Nguyên nhân là tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên; chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành với xu hướng tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có mức năng suất lao động thấp nhất đã giảm xuống, tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có mức năng suất lao động cao nhất đã tăng (từ 22,8% lên 33,1%), tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ có mức năng suất lao động cao thứ 2 đã tăng lên (từ 33,6% lên 37,7%).
Ngoài ra, có nguyên nhân do chuyển dịch cơ cấu theo trình độ công nghệ của công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng công nghệ cao tăng, tỷ trọng công nghệ trung bình và đặc biệt công nghệ thấp giảm tương ứng. Có nguyên nhân do tốc độ tăng số lao động đang làm việc có xu hướng chậm lại, đặc biệt năm 2020, 2021 còn bị giảm do tác động của đại dịch Covid-19.
Riêng năm 2022, báo cáo của Chính phủ cho rằng, tốc độ tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu cần được các ngành rà soát kỹ hơn, bởi nếu GDP giá so sánh tăng 8%, tốc độ tăng số lao động đang làm việc ước tăng 2,5%, tính ra tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh sẽ là 5,4% - cao hơn mục tiêu.
Mức năng suất lao động tuyệt đối thấp
Mức năng suất lao động tính theo giá thực tế trong một số năm gần đây như sau: năm 2015 là 97,7 triệu đồng, năm 2018 là 129,1 triệu đồng, năm 2019 là 141 triệu đồng, năm 2020 là 150,1 triệu đồng, năm 2021 là 172,8 triệu đồng. Mặc dù cao lên qua các năm, nhưng tính bình quân một lao động đang làm việc trong một tháng là mức thấp (năm 2021 là 14,4 triệu đồng); nếu tính bình quân 1 nhân khẩu (1 lao động đang làm việc có gần 2,01 dân số), thì chỉ đạt 7,16 triệu đồng.
Đó là chưa nói tới phần phải nộp ngân sách và một số khoản đóng góp xã hội khác (tổng thu ngân sách so với GDP năm 2021 là 18,5%; nếu tính trên tổng thu nhập quốc gia thì còn cao hơn - 19,5%). Do mức năng suất lao động thấp, nên tổng cầu cũng còn yếu và đây là một trong những yếu tố làm cho thu nhập sức mua thấp.
Mức năng suất lao động tính bằng USD theo tỷ giá thực tế các năm thì năm 2019 đạt 6.114,1 USD, năm 2020 đạt 6.470,4 USD, năm 2021 đạt 7.459,9 USD. Tuy tăng lên qua các năm, nhưng có một phần quan trọng do tỷ giá tăng thấp, có năm còn giảm và nhìn chung còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, làm cho sức cạnh tranh còn thấp…
Năng suất lao động thấp sẽ làm giảm sức cạnh tranh, làm cho tăng trưởng kinh tế chậm… Nguyên nhân có nhiều, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp; một số ngành, lĩnh vực, vùng miền còn thấp hơn. Cùng với đó là hạn chế về chất lượng đào tạo, cơ cấu đào tạo, giữa lý thuyết và thực tế, kết hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng. Tỷ trọng trình độ công nghệ thấp của công nghiệp chế biến, chế tạo còn lớn. Về cơ cấu kinh tế, trong nông, lâm nghiệp - thủy sản có một số nơi, ngành vẫn còn “lấy công làm lãi”; trong công nghiệp còn tình trạng công nghiệp hỗ trợ yếu, gia công lắp ráp…, nên thực thu thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu…