Đầu tư
Nâng tầm thủ phủ cá tra Hồng Ngự
Tự Huy - 15/12/2022 18:09
Trong 2 ngày (16 và 17/12/2022), tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Hồng Ngự), tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Lễ hội cá tra lần thứ I - năm 2022. Đây là sự kiện quan trọng, giúp nâng tầm thương hiệu của thủ phủ cá tra này.
Toàn cảnh TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp)         Ảnh: Phúc Thịnh

Tạo thương hiệu cho Hồng Ngự

Lễ hội cá tra do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, Lễ hội dự kiến có khoảng 300 đại biểu tham gia và khoảng 50.000 du khách đến tham quan trải nghiệm tại TP. Hồng Ngự và các địa phương, các điểm đến du lịch đặc trưng trong và ngoài tỉnh.

Trong khuôn khổ sự kiện có nhiều hoạt động hấp dẫn như: các tour Famtrip, Presstrip và Businesstrip tham quan hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra; tổ chức yến tiệc cá tra; hóa trang - diễu hành; thả “Ngư đăng” trên sông; tổ chức thả cá ra tự nhiên.

Tại Lễ hội còn có hoạt động triển lãm trưng bày các sản phẩm ngành hàng cá tra, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh. Không gian văn hóa và các hoạt động trình diễn, hội thi ẩm thực về cá tra, tọa đàm ngành cá tra. Hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2022; Hội nghị chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, ký kết hợp tác và an sinh xã hội…

Theo Ban tổ chức, Lễ hội cá tra là hoạt động hướng đến duy trì tổ chức hàng năm để xây dựng hình ảnh Thủ phủ cá tra - thương hiệu Hồng Ngự, nhằm thu hút khách thương mại, du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương, vinh danh và tri ân nghề nuôi cá tra - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp cũng như của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung - cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.

Hồng Ngự xây dựng hình ảnh một thành phố văn minh, năng động

Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến 2030, TP. Hồng Ngự tập trung quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, sớm hoàn thành Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồng Ngự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu và tổ chức thực hiện dự án, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Quy hoạch lại các phân khu trung tâm các phường: An Thạnh, An Lộc, An Lạc, An Bình A và An Bình B để phát triển khu vực nội thị, mở rộng không gian đô thị theo xu hướng phát triển. Định hướng không gian phát triển đô thị và xác định các phân khu chức năng hợp lý. Khẩn trương hoàn thành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
Thành phố chú trọng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, chợ biên giới. Nâng cấp hệ thống chợ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ khu vực biên giới. Thu hút đầu tư khu kho vận thương mại đô thị, với vai trò đầu mối, trung chuyển hàng hóa của khu vực biên giới…
Nâng cấp hệ thống chợ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ khu vực biên giới. Thu hút đầu tư khu kho vận thương mại đô thị, với vai trò đầu mối, trung chuyển hàng hóa của khu vực biên giới. Khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, cung cấp các dịch vụ phục vụ thương mại, nhất là thanh toán điện tử. Phát triển các tuyến phố thương mại nằm trong tổ hợp trung tâm thương mại. Tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn, sớm biến Hồng Ngự trở thành một thành phố văn minh, năng động.

Ông Phạm Tấn Đạt, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồng Ngự cho biết, Hồng Ngự rất vinh dự được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Lễ hội cá tra. Đây là dịp để quảng bá vùng nuôi, là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước.

“Xác định đây là sự kiện kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương, do vậy, cả hệ thống chính trị của TP. Hồng ngự đã cùng vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị tốt về nội dung, kế hoạch chu đáo, đảm bảo tiến độ đề ra”, ông Đạt nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đạt, đến nay, mọi công tác tổ chức từ khâu xây dựng kịch bản, sân khấu lễ đài, tiểu cảnh, trang trí tại các cửa ngõ, đường dẫn vào trung tâm và các điểm tổ chức đến khâu hậu cần, an ninh đã cơ bản hoàn tất. Thành phố đã lên phương án, kịch bản cụ thể, chu đáo để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nhằm phục vụ chu đáo, hiệu quả người dân và doanh nghiệp, tạo ấn tượng đẹp về một thành phố trẻ năng động, giàu sức sống vùng biên mậu.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả để vừa lòng các đại biểu và khách tham quan, thể hiện tấm lòng hiếu khách, thân thiện, nghĩa tình của người Đồng Tháp với du khách gần xa, để hình ảnh Đồng Tháp, cũng như tiềm năng về nguồn lợi kinh tế thủy sản của tỉnh và vùng ĐBSCL vươn xa”, ông Phạm Tấn Đạt nói.

Nuôi cá tra quy mô công nghiệp của tỉnh Đồng Tháp

Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất

Tại Đồng Tháp, tính đến nay, diện tích nuôi cá tra đạt hơn 2.300 ha, sản lượng trên 451.000 tấn. Trong đó, khu vực Hồng Ngự là một trong những cái nôi hình thành và gắn liền với lịch sử phát triển ngành cá tra của ĐBSCL với diện tích nuôi lớn, có sự liên kết của nhiều hộ nuôi cá tra.

Là một trong 5 ngành hàng chủ lực, nên tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025, theo đó, sẽ phát triển diện tích nuôi cá tra là 2.450 ha, sản lượng 555.000 tấn, đạt giá trị trên 9.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản.

Khởi nguồn từ trôi nổi trong nước tự nhiên tại các tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL, cá tra đã thành loài cá nuôi trong ao bè, mở đầu cho nghề nuôi cá tra quy mô công nghiệp trải rộng khắp khu vực, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng chục vạn hộ nông dân và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Hiện cá tra được nuôi và phát triển chủ yếu ở 10 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, trong đó Đồng Tháp, An Giang và TP. Cần Thơ là những vùng nuôi lớn nhất, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước. Ngành cá tra tự kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu theo hướng sản xuất bền vững theo chuỗi. Kim ngạch xuất khẩu cá tra vùng ĐBSCL 10 tháng của năm 2022 đạt trên 2,1 tỷ USD và dự báo cả năm đạt trên 2,5 tỷ USD, phát triển mạnh nhất là 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, tổng diện tích thả nuôi cá tra của ĐBSCL đạt  trên 3.200 ha, tăng 15% so 2021, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt gần 900.000 tấn. Nhìn chung, sản xuất giống cá tra tại các địa phương vùng ĐBSCL ổn định. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ), gần 4.000 ha ương dưỡng cá tra giống, do đó chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện. Các sản phẩm cá tra được sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế và an toàn thực phẩm nghiêm ngặt như GlobalGAP, ASC và BAP…

Hiện có gần 100 nhà máy sản xuất cá tra tại Việt Nam. Phần lớn các cơ sở này được trang bị công nghệ tiên tiến, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Lạc quan về tương lai ngành hàng cá tra, nhưng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, tầm quan trọng của khâu sản xuất giống và liên kết chuỗi ngành hàng trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, con giống là khâu then chốt, quyết định sự thành bại. Vì vậy, các tỉnh, thành nuôi cá tra tại ĐBSCL cần tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết chuỗi cá tra 3 cấp.

Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra quan tâm liên kết với vùng sản xuất giống một cách chặt chẽ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống thủy sản để cá tra Việt Nam “bơi nhanh và bơi xa hơn”.

Tin liên quan
Tin khác