Người dân nên tiêm phòng đối với các loại bệnh đã có vắc-xin để hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc để lại di chứng. |
Nhiều dịch đang tăng nhanh
Thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc viêm não đang có chiều hướng gia tăng, riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 49 trường hợp mắc viêm não virus và 3 ca tử vong. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, cả nước đã ghi nhận hơn 110 trường hợp bị viêm não.
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, viêm não là bệnh nguy hiểm thường gặp nhất ở trẻ em từ 2 đến 8 tuổi, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ, chiếm tới gần 35%. Trung tâm Bệnh nhiệt đới đang điều trị 25 bệnh nhi bị viêm não, trong đó có một số trẻ bị biến chứng nặng nề, nguy cơ để lại di chứng lâu dài sau này.
Cũng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), 2 tuần qua, trung bình mỗi tuần, Khoa Nội tiếp nhận 40 - 50 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Ngoài viêm phổi, suy hô hấp, một biến chứng nguy hiểm khác cũng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây là viêm não sau khi mắc cúm. Tại Bệnh viện Nhi trung ương đã ghi nhận một số trường hợp sau khi mắc cúm 3 - 5 ngày có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương, như trẻ bị lơ mơ, sốt li bì, co giật.
Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn mắc cúm phải nhập viện cũng gia tăng. Trong 1 tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám, điều trị do nhiễm virus cúm, trong đó có cả phụ nữ mang thai. Đa số bệnh nhân đến khám có biểu hiện nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng: sốt cao, đau mỏi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí viêm phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), cúm thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Riêng với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), có những ngày cao điểm, Bệnh viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị, trong khi trước đó chỉ ghi nhận rải rác một vài ca.
Các năm trước, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay đảo ngược, sốt xuất huyết chỉ có vài ca, còn số ca mắc cúm A lại tăng mạnh. Lý giải nguyên nhân bệnh cúm A gia tăng trái mùa, các bác sĩ đều cho rằng, có thể do thời tiết biến đổi thất thường, người dân đi du lịch, giao thương nhiều, nhiều người lơ là không tiêm vắc-xin.
Vắc-xin vẫn là chìa khóa hữu hiệu
Đề cập tình trạng nhiều trẻ mắc viêm não, cúm A, PGS-TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, việc trẻ ở nhà quá lâu trong giai đoạn nghỉ dịch Covid-19 cũng là một phần lý do. Vì không tiếp xúc với bên ngoài trong một thời gian dài, nên kháng thể để chống đỡ với các loại virus, vi khuẩn của trẻ kém. Ngoài ra, trẻ có thể không được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, nhất là vắc-xin cúm, nên dễ mắc bệnh.
Khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đối với các loại bệnh đã có vắc-xin như cúm, viêm não, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lý giải, có những bệnh như sởi, bại liệt…, miễn dịch tạo ra bền vững suốt đời, song đối với cúm, thì miễn dịch chỉ kéo dài dưới 1 năm, khi kháng thể giảm, khả năng lây nhiễm tăng lên. Do đó, việc tiêm vắc-xin cúm định kỳ hằng năm là vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch yếu, như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, có thể nhiễm cúm vào các thời điểm trong năm. Để phòng tránh, mọi người cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nâng cao sức đề kháng và đặc biệt là tiêm phòng cúm hằng năm.
Hiện tại, tiêm vắc-xin phòng dịch cúm A là chìa khóa đơn giản, an toàn và tiết kiệm nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng nặng và nguy cơ lây lan cho những người xung quanh. Tại Việt Nam, đã có vắc-xin cúm tứ giá thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng virus cúm nguy hiểm đang lưu hành, có thể gây thành đại dịch và nguy cơ tử vong cao là 2 chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin khoảng 2 - 3 tuần sau tiêm và thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm là 6 - 12 tháng.
Với viêm não Nhật Bản, cùng với việc tiêm phòng, các bác sĩ cũng khuyến cáo về biện pháp chăm sóc trẻ thường ngày để tăng sức đề kháng. Theo đó, cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ. Khi trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng hơn với các món ăn như cháo, sữa…
Bên cạnh đó, gia đình cần chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng; rửa tay cho trẻ trước khi ăn; vệ sinh nhà cửa, giữ môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát.
Theo các bác sĩ, thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao liên tục, nôn, các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê với trẻ lớn, trẻ có dấu hiệu đau đầu… thì cần đưa đến viện khám ngay.