Trì hoãn kế hoạch góp vốn của cổ đông chiến lược
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Thép Pomina gặp nhiều vấn đề về tài chính. Trong đó, Công ty tiếp tục lỗ thêm 959,7 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế lên 1.270,96 tỷ đồng và bằng 45,4% vốn điều lệ. Nợ ngắn hạn (7.963,6 tỷ đồng) lớn hơn tài sản ngắn hạn (3.099,3 tỷ đồng) tới 4.864,3 tỷ đồng, có thể hiểu, Công ty đang sử dụng 4.864,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm - đây là rủi ro liên quan tới cơ cấu nguồn vốn.
Trong Báo cáo kiểm toán gần nhất bán niên năm 2023, Ernst & Young Việt Nam đề cập khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2023 là 758,1 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn là 4.376,96 tỷ đồng và Thép Pomina có một số khoản nợ vay đã quá hạn với số tiền 2.200,1 tỷ đồng, một số khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán 922,2 tỷ đồng.
“Những điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Thép Pomina”, Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.
Tính tới cuối năm 2023, Thép Pomina chỉ còn sở hữu quỹ tiền mặt 10,27 tỷ đồng (đầu năm 206,28 tỷ đồng), chiếm 0,1% tổng tài sản, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 6.312,47 tỷ đồng, bằng 395,8% vốn chủ sở hữu.
Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ và mất cân đối nguồn vốn, tháng 7/2023, Thép Pomina thông qua kế hoạch chào bán hơn 70,17 triệu cổ phiếu cho Nansei Steel (Nhật Bản) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động gần 702 tỷ đồng, nhằm tăng vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn lưu động, chuẩn bị tài chính triển khai kế hoạch tái khởi động lò cao. Kế hoạch này được chia làm hai đợt: đợt 1 phát hành khoảng 10,6 triệu cổ phiếu trong tháng 8/2023 và đợt 2 phát hành số còn lại trong tháng 9/2024.
Giữa tháng 9/2023, Thép Pomina lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để lùi thời gian bắt đầu đợt chào bán riêng lẻ vào quý III/2023. Trong đó, Công ty dự kiến dành 500 tỷ đồng huy động được để trả nợ ngân hàng và gần 202 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu đợt chào bán thành công, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 3.498 tỷ đồng và nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel sở hữu 20% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, một lần nữa, tháng 1/2024, Thép Pomina thông qua nghị quyết tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel. Như vậy, sau nhiều lần kéo dài và hoãn, cuối cùng Thép Pomina đã hủy kế hoạch chào bán 20% vốn cho Nansei Steel.
Cổ đông mới lựa chọn sự thận trọng
Thép Pomina có động thái muốn quay trở lại kế hoạch gọi vốn, khi ngày 1/3 tới, sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để trình cổ đông kế hoạch tái cấu trúc bằng cách thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ. Trong đó, Thép Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị và nhà đầu tư chiến lược góp vốn bằng tiền mặt.
Với việc thành lập pháp nhân mới, nhóm cổ đông chiến lược khi tham gia góp vốn vào Pomina Phú Mỹ chỉ chịu trách nhiệm đối với công ty này, không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan nợ quá hạn đang phát sinh tại Thép Pomina. Ngược lại, đối với chủ nợ hiện tại, các nghĩa vụ nợ quá hạn đang phát sinh do Thép Pomina vay và thế chấp tài sản trực tiếp, không thể liên đới yêu cầu pháp nhân mới Pomina Phú Mỹ thanh toán.
Thực tế, trước khi muốn chuyển tài sản sang Pomina Phú Mỹ, hàng loạt lãnh đạo và cổ đông liên quan tới lãnh đạo Thép Pomina liên tục bán ra cổ phiếu. Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT Công ty đăng ký bán ra toàn bộ 8.160.504 cổ phiếu POM để giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,92% về 0%, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/2 đến 22/3.
Có thể thấy, việc cổ đông nội bộ liên quan lãnh đạo bán cổ phiếu để giảm sở hữu trong bối cảnh Thép Pomina sẽ thành lập pháp nhân mới sẽ đẩy rủi ro cho cổ đông hiện hữu, vì bản thân Thép Pomina vẫn đang gặp khó về dòng tiền, chịu áp lực nhiều khoản nợ quá hạn và bị mất cân đối nguồn vốn khi sử dụng vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn.