Mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã có những kiến nghị về việc xem xét, hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến để thuận lợi cho người dân tham gia khám chữa bệnh.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc bỏ giấy chuyển viện và cho rằng điều này sẽ làm giảm thủ tục hành chính “hành” bệnh nhân. |
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư 43/2013/TT-BYT, chuyển tuyến được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến huyện lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương;
Hoặc nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì được chuyển lên tuyến cao hơn.
Nhiều người dân đều cho rằng giấy chuyển viện là thủ tục hành chính rất nhiêu khê và phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của người dân.
Theo quy định hiện hành, nếu muốn chuyển viện lên tuyến trên và được hưởng bảo hiểm y tế với quyền lợi cao, người bệnh buộc phải có giấy chuyển viện.
Và theo phản ánh để có được tấm giấy thông hành này người bệnh phải nhọc nhằn với cơ chế xin- cho và nạn “bôi trơn”. Nếu không có giấy chuyển viện với nội dung bệnh nhân đủ điều kiện chuyển viện thì dù có được chuyển lên tuyến trên thì bệnh nhân cũng vẫn không được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến.
Bàn thảo về việc này, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh là đúng đắn.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đồng ý với đề xuất bỏ giấy chuyển viện. Qua thực tế ở bệnh viện vị này thừa nhận có rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải quay đi quay lại hàng trăm cây số để hoàn thành thủ tục chuyển viện, rất khổ sở.
PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết, giấy chuyển viện chỉ là thủ tục hành chính. Trong khi hiện nay, chúng ta đều đang chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu - hồ sơ của bệnh nhân. Các thông tin hoàn toàn có thể liên thông giữa các cơ sở do vậy cần giao trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị tiếp nhận bệnh nhân.
Vị này cho rằng, các bác sĩ tuyến trên đã xác định bệnh nhân cần nhập viện, thì phải cho bệnh nhân nhập và hưởng bảo hiểm luôn để điều trị, chứ không phải quay lại để xin giấy. Các đơn vị tuyến trên, có thể là tuyến tỉnh, tuyến trung ương, phải chịu trách nhiệm về việc này.
Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai nói rằng, phụ thuộc vào cách làm, chính sách bảo hiểm và chính sách quản lý, việc tiến tới bỏ giấy chuyển tuyến là khả thi.
Dù đồng tình với việc bỏ giấy chuyển viện song đại diện một số cơ sở khi được hỏi cũng lo ngại khi thủ tục được đơn giản hóa, đương nhiên nhiều người dân sẽ chọn lên thẳng tuyến trên để khám và điều trị.
Nếu bệnh nặng, hợp lý để chuyển tuyến thì không sao. Nhưng sẽ có những trường hợp bệnh nhẹ vẫn lên tuyến trên, gây quá tải, còn tuyến dưới lại lãng phí nguồn lực, trong khi đó bệnh viện tuyến trên không được phép từ chối bệnh nhân.
Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để bệnh nhân không còn phải xin giấy chuyển tuyến nhưng cũng tránh cho các cơ sở y tế tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải.
Để giấy chuyển viện không còn là ác mộng với người dân theo lời một số chuyên gia y tế, gốc rễ của vấn đề chính là nâng chất lượng y tế cơ sở do người dân hiện chưa có niềm tin vào hệ thống y tế này. Chỉ khi phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng khi ấy cơ hội khám chữa bệnh của người dân mới bình đẳng.
Các chuyên gia đều cho rằng, riêng việc bệnh nhân khi cần có thể đến khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào vừa là mục tiêu của ngành Y tế, nhưng cũng chính là động lực để thúc đẩy chuyên môn, thúc đẩy chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Vậy nên cần sớm tính đến chuyện hủy bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh theo ý kiến của nhiều cử tri và nhân dân trong cả nước.
Được biết, theo quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi chuyển đúng tuyến được quy định như sau: Nếu thuộc trường hợp chuyển tuyến đúng tuyến, người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế.
100% chi phí khám chữa bệnh nếu thuộc các đối tượng:
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ, học viên công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân… Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
Người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
Có chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn mức quy định tại tuyến xã; Có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
95% chi phí khám chữa bệnh: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Thân nhân của người có công với cách mạng trừ cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Người thuộc hộ cận nghèo…
80% chi phí khám chữa bệnh: Các trường hợp còn lại.