Ngân hàng, doanh nghiệp ngấm đòn
Trong nỗ lực chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng trần lãi suất huy động USD bằng 0%/năm với tổ chức từ tháng 9/2015 và với cá nhân từ tháng 12/2015. Đến nay, sau gần nửa năm triển khai, liều thuốc chống đô la hóa này đã bắt đầu nảy sinh những tác dụng phụ. Cụ thể, trên thị trường ngân hàng, từ cuối năm 2015 đến nay, hàng loạt ngân hàng đua nhau lách trần huy động USD khiến NHNN liên tục tuýt còi. Lãi suất huy động USD trên thực tế được nhiều ngân hàng chi trả đến mức 0,5-1%/năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên “giãn” lộ trình chống đô la hóa để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. |
Theo các ngân hàng, từ khi lãi suất huy động USD về mức 0%, huy động vốn ngoại tệ có dấu hiệu giảm và hầu hết khoản tiền gửi được chuyển về hình thức không kỳ hạn hoặc tài khoản thanh toán. Có nghĩa, hàng tỷ USD tiết kiệm nằm trong ngân hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào, khiến ngân hàng gặp nhiều rủi ro về kỳ hạn, về cân đối thanh khoản ngoại tệ.
Một hệ lụy khác của chính sách lãi suất USD 0%/năm, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) là triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ và gây ra hiện tượng chảy máu ngoại tệ, cụ thể là tiền gửi nước ngoài gia tăng đột biến (7,3 tỷ USD). Điều này vô cùng bất cập trong bối cảnh nhiều ngân hàng trong nước phải vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao.
Cũng với mục tiêu chống đô la hóa, ngoài việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, từ tháng 4/2016, NHNN cũng chính thức thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ. Tuy nhiên, suốt một tháng qua, liên tiếp những lời cầu cứu đã được các hiệp hội đưa ra.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, những năm qua, chính sách cho vay ngoại tệ của NHNN đã giúp doanh nghiệp có thể tồn tại, bởi lãi suất cho vay chỉ bằng một nửa lãi suất tiền đồng. Nếu NHNN dừng cho vay ngoại tệ, thì từ quý II/2016, doanh nghiệp xuất khẩu không thể cạnh tranh được vì chi phí tài chính tăng, dẫn tới giá thành xuất khẩu cao, mất thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa. “NHNN nên kiểm tra chặt việc cho vay, đừng vì một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trục lợi mà bỏ đi một chính sách tốt”, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng kiến nghị.
Nên “giãn” lộ trình chống đô la hóa
Có thể nói, những biện pháp quyết liệt thời gian qua của NHNN đã giúp tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi chật vật, thì tín dụng ngoại tệ với lãi suất thấp vẫn là phao cứu sinh của nhiều doanh nghiệp. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên “giãn” lộ trình chống đô la hóa để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhận định, lộ trình chống đô la hóa vừa qua của NHNN là “hơi nhanh” và nên cân nhắc lại một số giải pháp, trong đó có giải pháp đưa lãi suất tiết kiệm về 0%/năm với USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, NHNN còn có trong tay khá nhiều công cụ để chống đô la hóa, chứ không chỉ bằng các giải pháp hành chính như giảm lãi suất, siết tín dụng ngoại tệ. Chưa kể, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, dựa nhiều vào xuất nhập khẩu và nhu cầu ngoại tệ là rất thiết yếu. Nói cách khác, nền kinh tế vẫn cần ngoại tệ để phục vụ sản xuất - kinh doanh, do đó các chính sách cần hướng tới huy động hiệu quả nguồn vốn này.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động lên mức 0,2-0,25%/năm, thay vì mức 0%/năm hiện nay.
Đề xuất tăng lãi suất huy động với USD là có cơ sở, bởi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN xem xét mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp. Nếu khả năng này xảy ra, nguồn cung ngoại tệ sẽ càng thiếu. Do đó, tăng lãi suất huy động USD, trước mắt ưu tiên cho các khoản tiền gửi trung, dài hạn, là cần thiết.
Trước kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp và cả các ngân hàng, chưa rõ NHNN có “lung lay” quan điểm về việc áp trần lãi suất USD 0%/năm hay không. Trong chỉ thị ban hành cách đây hơn 2 tuần, NHNN vẫn thể hiện sự cứng rắn và yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động USD.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, chính sách lãi suất 0%/năm là nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ chống đô la hóa, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.