Con số này là hơn 23.600 doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cùng kỳ, có mặt ở 8/17 ngành, lĩnh vực, như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản, khoa học - công nghệ...
Tất nhiên, các con số này không đủ để khái quát thành xu hướng, nhưng vị chuyên gia về môi trường kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân cho rằng, có thể đại diện cho nỗ lực tái cơ cấu, tìm kiếm không gian mới để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Không những thế, ông Cung cho biết, đã nhìn thấy không ít doanh nghiệp đang hoạt động tốt, nhưng quyết định từ bỏ cách làm cũ, thay đổi trở thành bộ phận quan trọng của chuỗi sản xuất, thay vì là những mảnh ghép nhỏ lẻ. Đã có những doanh nghiệp Việt bắt đầu mở ra chuỗi giá trị của người Việt…
Nhưng, con đường này đang trở nên gập ghềnh, khó khăn hơn ở nhiều khía cạnh.
Cạnh tranh gay gắt hơn khi các áp lực của những tiêu chuẩn xanh, sạch, số của thế giới đang đòi hỏi các nguồn lực đầu tư chuyển đổi công nghệ, quản trị; nhưng khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho các tiêu chuẩn mới chưa rõ ràng.
Nhu cầu đổi mới, sáng tạo đang chi phối các xu hướng phát triển; nhưng không gian cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thực thi vẫn rất bấp bênh.
Nhu cầu liên kết, hợp tác, đi cùng với những người mạnh để lớn nhanh hơn của doanh nghiệp Việt đang chưa thuận khi thiếu sự hậu thuẫn của cơ chế, chính sách thúc đẩy tác động lan tỏa của dòng vốn FDI.
Đặc biệt, dường như các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có khả năng tạo dựng các chuỗi sản xuất, giá trị đang thiếu cơ chế động lực để sẵn sàng làm người tiên phong, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào hệ sinh thái của mình. Thiếu các chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt, nền kinh tế sẽ kém tính chủ động khá nhiều.
Hiện tại, đang có nhiều khuyến nghị giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ các giải pháp khơi thông dòng tiền, khoan sức doanh nghiệp, khoan sức dân, khơi thông các nút thắt của môi trường đầu tư – kinh doanh… Các nhóm giải pháp này rất cần, để vực dậy những doanh nghiệp đang trong thế tắc nghẽn, nhanh chóng có sức trở lại, song cũng cần những giải pháp hướng tới mục tiêu dài hạn, bền vững hơn của nền kinh tế, cũng là của doanh nghiệp. Đó là các hệ thống giải pháp nhắm đến mục tiêu đạt tăng trưởng cao, thu nhập cao song hành với nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động.
Có lẽ, đây là thời điểm phù hợp để khởi động các nỗ lực thiết lập không gian, thiết lập môi trường kinh doanh cho thế hệ doanh nghiệp tương lai của Việt Nam, chứ không chỉ là vực lại những doanh nghiệp yếu kém, “kiểu cũ”, không đủ năng lực, thiếu sức chống chịu và khả năng thích ứng xu thế phát triển.
Nền kinh tế đang cần những doanh nghiệp mạnh theo nghĩa như vậy!