Việc đưa 3 luật về đầu tư, kinh doanh vào thi hành từ năm 2021 giúp nền kinh tế thêm sức bật. Trong ảnh: Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại nghị trường |
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nền kinh tế có thêm điểm tựa mới quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững, đồng thời nhận định 5 năm qua, Quốc hội và Chính phủ coi xây dựng thể chế là một đột phá chiến lược, nhất là việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm việc tại cơ quan giúp Quốc hội “gác cửa” về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, ông đánh giá thế nào về vai trò của các đạo luật về kinh tế được ban hành trong nhiệm kỳ này?
Trước hết, tôi muốn nói rằng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là việc chưa có tiền lệ, vừa phải đảm bảo quy luật chung của kinh tế thị trường, nhưng vừa phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và để nền kinh tế vận hành trơn tru thì trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hàng loạt luật về kinh tế đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.
Cũng cần phải đánh giá khách quan là tính ổn định của các luật, đặc biệt là các luật liên quan đến đầu tư, đầu tư công, doanh nghiệp trong hai nhiệm kỳ qua là tương đối thấp. Chính vì thế, mà nhiệm kỳ Quốc hội này, số lượng luật cần sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều.
Điều này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan thì như tôi đã nói, đó là việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa có tiền lệ, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Còn nguyên nhân chủ quan cũng đã được đề cập khá nhiều tại diễn đàn Quốc hội, đó là tầm nhìn chính sách còn hạn chế, việc đánh giá tác động của chính sách trong quá trình soạn thảo một số trường hợp còn chưa làm đầy đủ, nên tuổi thọ của nhiều luật không cao. Đó còn là chất lượng đội ngũ chuyên trách tham mưu xây dựng thể chế ở một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các dự luật chưa đáp ứng yêu cầu và tất nhiên có cả trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội.
Nhưng, ở góc nhìn khác thì việc số lượng luật cần sửa đổi, bổ sung nhiều cũng cho thấy nỗ lực cải thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, ổn định hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tính ổn định của hệ thống pháp luật là điều được các doanh nhân đặc biệt quan tâm. Họ cũng kỳ vọng vào Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật PPP cùng lúc có hiệu lực thi hành từ năm 2021 sẽ là những điểm tựa mới trong giai đoạn nền kinh tế đang rất khó khăn này. Ông có chung kỳ vọng như vậy không?
Cả 3 luật này đều nhằm mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp.
Riêng với PPP thì đây là lần đầu tiên, lĩnh vực này được điều chỉnh ở tầm luật, nhằm tạo hành lang pháp lý để ổn định và nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của hình thức đầu tư đối với các dự án PPP.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chính sách thu hút đầu tư chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, hàm lượng công nghệ thấp sang hàm lượng công nghệ cao... thì phải có sự thay đổi về mặt chính sách để phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý nhất và thu hút đầu tư hiệu quả nhất. Theo tôi, các luật này chính là điểm tựa để thực hiện yêu cầu đó.
Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh về số lượng nhưng quy mô thì còn nhỏ, với những sửa đổi ở Luật Doanh nghiệp và cùng với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kỳ vọng là khối này sẽ lớn mạnh hơn trong thời gian tới.
Vậy nhiệm kỳ tới, công tác xây dựng pháp luật cần tập trung vào những vấn đề gì để tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh, thưa ông?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sẽ có rất nhiều lĩnh vực mới cần sự điều chỉnh của pháp luật, chẳng hạn như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng kỹ thuật số... Việc pháp luật luôn đi sau thực tiễn là tất yếu, nhưng đi sau bao lâu và các nhà hoạch định chính sách phải có dự báo để đi sau ở mức có thể chấp nhận được, nhằm tạo hành lang an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội. Đó là điều rất quan trọng.
Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2021) chủ yếu tập trung vào công tác tổng kết; kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV (tháng 7/2021) chủ yếu tập trung vào công tác nhân sự, còn công tác lập pháp chủ yếu tập trung vào kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa mới (tháng 10/2021).
Sau Đại hội XIII của Đảng thì định hướng tại văn kiện sẽ rất quan trọng để Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Một trong những điểm mới của năm 2020 là không chỉ có Quốc hội, mà các ủy ban của Quốc hội cũng họp trực tuyến, mà Ủy ban Pháp luật là ủy ban đầu tiên áp dụng hình thức này. Điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng công việc được giao không, thưa ông?
Ban đầu cũng có những trục trặc về mặt kỹ thuật, nhưng đã khắc phục được ngay và vẫn giữ đúng tinh thần làm việc tập thể và quyết định theo đa số của Ủy ban Pháp luật, phúc đáp được yêu cầu công tác của năm 2020, vừa đảm bảo tinh thần tiết kiệm, mà vẫn phát huy được trí tuệ tập thể trong việc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban.
Sau mỗi phiên họp đối với những vấn đề quan trọng, Thường trực Ủy ban đều có văn bản gửi đến các thành viên đề nghị góp ý kiến trực tiếp vào văn bản, có vấn đề biểu quyết luôn bằng phiếu, vì thế nên chất lượng công việc vẫn bảo đảm.
Tổng kết kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu chưa có chuyển biến tốt, thậm chí còn có bước lùi so với một số kỳ họp giữa nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã hơn một lần đề cập thực tế là các cơ quan của Quốc hội phải làm việc không có ngày nghỉ để kịp hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật thì sao, có bị quá tải không, thưa ông?
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra đối với các dự án luật về tổ chức bộ máy (trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và cơ quan điều tra) về dân sự và hành chính. Ngoài ra, Ủy ban phải tham gia thẩm tra với tất cả các dự án luật để đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến và tính thống nhất. Đặc biệt trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua thì Ủy ban Pháp luật phải rà soát để đảm bảo tính hệ thống.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tiến hành đại hội đảng các cấp, việc sắp xếp đơn vị hành chính hay thẩm tra mô hình chính quyền đô thị ở một số thành phố lớn đều được trình trong bối cảnh rất gấp nhưng lại thực sự cần thiết để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn nên không riêng gì Ủy ban Pháp luật bận rộn. Từ bộ phận giúp việc cho đến Thường trực Ủy ban đều phải làm ngoài giờ. Trong thời gian Quốc hội họp, phải tham gia chỉnh lý các dự án luật thì chuyện đi làm hàng ngày mà về nhà sau 0 giờ là chuyện hết sức bình thường.