Thị trường thuê xe tại Việt Nam khá hấp dẫn, nhưng chưa doanh nghiệp nào đủ sức chiếm thị phần lớn. |
“Lợi ích kép” không đủ hấp dẫn
Zoomcar Việt Nam, một doanh nghiệp cho thuê xe đến từ Ấn Độ, chính thức ngưng hoạt động từ giữa năm 2023, cho thấy “miếng bánh” thị trường cho thuê xe ô tô tại Việt Nam tuy còn phân mảnh, nhưng không dễ xơi.
Trên thế giới, cho thuê xe ô tô không phải là mô hình kinh doanh mới. Loại hình này xuất hiện từ hơn 100 năm - thời điểm ô tô bắt đầu thịnh hành ở các nước phát triển, cùng với đó, nhu cầu thuê xe dần phổ biến thay vì sở hữu. Hoạt động cho thuê xe đã thâm nhập từ lâu vào Việt Nam, nhưng đến nay chưa có thương hiệu nào thực sự nặng ký.
Chỉ mới hơn 1 năm trước đó, khi hiện diện chính thức tại thị trường Việt Nam, ông Kiệt Phạm, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc quốc gia Zoomcar Việt Nam, tỏ ra tự tin về tiềm năng thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam.
Trong ngắn hạn, thị trường Đông Nam Á của Zoomcar chỉ gồm Việt Nam và Indonesia. Trước đó, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Zoomcar, ông Greg Moran và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Zoomcar, ông Uri Levine, tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD cho khu vực này. Công ty mẹ đã sẵn sàng chi 25 triệu USD để mở rộng sự hiện hiện ở Việt Nam. Kể từ khi thành lập, Zoomcar đã huy động được tổng cộng 207 triệu USD. Trong vòng gọi vốn gần nhất (tháng 11/2021), họ huy động thành công 92 triệu USD của SternAegis Ventures (Mỹ).
Trải qua năm 2022 nhiều biến động, Zoomcar Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng cao qua từng tháng, đạt gần mức hòa vốn sau 1 năm hoạt động. Đó là động lực để công ty mẹ tại Ấn Độ đặt mục tiêu năm 2023, thị trường Đông Nam Á sẽ đóng góp 40% cho doanh thu Zoomcar toàn cầu. Việt Nam dự trù chiếm khoảng 10%, tương đương 8 triệu USD cho năm tài chính kế tiếp.
Sau hơn 1 năm hoạt động tại Việt Nam, ứng dụng Zoomcar đã thu hút hơn 100.000 khách hàng đăng ký, khoảng 3.000 chủ xe tham gia tại TP.HCM. Ông Kiệt Phạm đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần lượng xe trong năm đó.
Về việc thu hút tài xế, ông Kiệt Phạm cho biết, Zoomcar đặt các chủ xe ở vị trí đối tác chiến lược. Ngoài những lợi ích đã cam kết rõ ràng trong hợp đồng, Zoomcar giúp họ tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro khi vận hành.
Từ những ngày đầu, Zoomcar đưa ra 3 giá trị cốt lõi nhằm nhận được lòng tin của đối tác chủ xe. Đầu tiên là công nghệ. Tiếp theo là nguồn vốn đầu tư dồi dào, dài hạn cho các chiến dịch truyền thông, quảng bá để kích thích thị trường thuê xe tự lái, tăng trưởng khách hàng mới. Cuối cùng là đội ngũ sáng lập, những người dày dạn kinh nghiệm từ Ấn Độ.
Đặc biệt, đại diện Zoomcar nhấn mạnh đến cụm từ “lợi ích kép”. Ngoài việc tối ưu doanh thu, mang lại nguồn khách dồi dào, Zoomcar “gánh” giúp chủ xe những rủi ro có thể xảy đến, từ phạt nguội, chi phí nhiên liệu, vệ sinh xe, đến sửa chữa, tiền nằm bãi, bảo hiểm...
Thay vì chủ xe tự trao đổi với khách thuê, Zoomcar sẽ đứng ra xử lý toàn bộ những sự cố gặp phải.
Thời điểm đó, việc mở rộng thị trường sang nước khác và tìm được người dẫn dắt đúng đắn và phù hợp đối với Zoomcar sẽ quyết định 50% cơ may thành công.
Trước khi đến với Zoomcar, ông Kiệt Phạm là Giám đốc Phát triển kinh doanh của GoFood (GoJek) tại Việt Nam, từng đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao tại OYO và Nielsen, với hơn 10 năm kinh nghiệm cùng chuyên môn trong việc quản lý start-up. Điều này cho thấy, ông Kiệt Phạm vừa hiểu sâu về nền kinh tế chia sẻ và ngành gọi xe tại Việt Nam, vừa quen làm việc với các công ty mẹ ở Ấn Độ (OYO cũng là 1 “kỳ lân” khác của Ấn Độ).
Hay nói cách khác, khi bắt tay vào xây dựng Zoomcar Việt Nam, ông Kiệt Phạm sẽ không tốn thời gian để làm quen với thị trường hoặc văn hóa công ty mẹ. Thậm chí, có thể ông đã có sẵn những nhân tài chủ chốt cho công ty mình. Vậy nên, rất nhanh Zoomcar đã tiệm cận điểm hòa vốn trên từng chuyến xe. Đây là tiền đề khiến Zoomcar Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trong năm 2023 là tăng trưởng gấp 5 lần và trở thành nền tảng gọi xe lớn nhất Việt Nam; mở rộng ra Hà Nội và sau đó là Đà Nẵng.
Zoomcar đang hoạt động tại hơn 40 thành phố ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Ai Cập. Thế nhưng, do thị trường thuê xe tại Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, khiến Zoomcar phái “đốt” khá nhiều tiền để thu hút đối tác và người dùng, dẫn đến phải từ bỏ cuộc chơi.
Khó “ăn” miếng bánh lớn
Có nhiều lý do khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường trọng điểm của những tên tuổi trong lĩnh vực này, thậm chí là thị trường tiềm năng nhất của họ ở Đông Nam Á.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordorintelligence, thị trường cho thuê xe Việt Nam được định giá dự kiến đạt 884 triệu USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm gần 14%. Mặt khác, theo số liệu của một chuyên trang nghiên cứu thị trường, thì tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam khoảng 23 xe/1.000 dân, thuộc loại thấp so với khu vực, trong khi nhu cầu di chuyển tăng cao.
Về lâu dài, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, mô hình cho thuê xe sẽ trở thành dịch vụ mang lại những cảm xúc mới mẻ cho thế hệ trẻ - những người có xu hướng ưu tiên thuê xe hơn so với việc tiết kiệm tiền để sở hữu riêng một chiếc xe cá nhân.
Thực tế, thị trường cho thuê xe tại Việt Nam thu hút nhiều người chơi lớn, bao gồm Avis Budget, Hertz, Enterprise Holdings, Vinasun, Mai Linh. Nhưng các công ty này chủ yếu mang đến giải pháp thuê xe dựa trên lượng lớn xe tự có và hoạt động chưa thật sự nổi bật.
Enterprise Rent-A-Car, công ty con của Enterprise Holdings - một trong những công ty cho thuê xe lớn nhất của Mỹ, có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2018, thông qua nhượng quyền cho MP Car Rental thuộc MP Group, hướng đến khách hàng thuê xe chủ yếu là các doanh nghiệp.
Với mô hình hoạt động của Enterprise Rent-A-Car, công ty sẽ cung cấp xe cho các đơn vị có nhu cầu thuê, thường là có tài xế đi kèm.
Công ty cho thuê xe trực tuyến thuộc Avis Budget Group cũng có mô hình tương tự. Avis có mạng lưới trải rộng trên nhiều quốc gia với hàng ngàn địa điểm cho thuê. Hãng vào thị trường Việt Nam từ năm 2008 dưới cái tên Công ty TNHH Cho thuê ô tô An Hòa Phát.
Trên trang avis.com.vn, từ hơn 650 xe tự có, Avis cung cấp dịch vụ cho thuê xe ngắn hạn và dài hạn, có lái hoặc tự lái, thuê xe đón tiễn sân bay cũng như dịch vụ quản lý đội xe tại 4 địa điểm chính, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Quốc.
Tuy nhiên, một số dịch vụ cho thuê của Avis còn hạn chế khi chỉ cho thuê xe tự lái ở khu vực Đà Nẵng hoặc Phú Quốc. Đồng thời, khách hàng cần liên hệ trực tiếp để có thể cung cấp nhu cầu thuê, cũng như biết chính xác mức giá, thủ tục thuê.
Một hãng cho thuê xe khác của Mỹ là Hertz. Tương tự Avis hay Enterprise Rent-A-Car, Hertz hướng đến khách hàng doanh nghiệp thuê dựa trên đội xe của hãng. Dù tham gia vào thị trường Việt Nam cách đây nhiều năm thông qua đối tác nhượng quyền, nhưng hiện thông tin về Hertz còn khá ít.
“Ông lớn” taxi Mai Linh cũng cung cấp mảng cho thuê xe với đa dạng dịch vụ đón, tiễn sân bay, cưới hỏi, du lịch, thuê xe dài hạn và cả xe tự lái cũng từ đội xe riêng của hãng. Tương tự các mô hình trên, khách hàng cần liên hệ tổng đài để biết giá cả và thủ tục cho thuê.
Phân khúc nhu cầu cho thuê xe cá nhân, thuê xe theo giờ vẫn đang là mảnh đất màu mỡ dành cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn khai thác. Mô hình trung gian với chi phí vận hành thấp, đóng vai trò như một sàn thương mại điện tử, giúp kết nối giữa chủ xe và người đi thuê nhanh chóng và tiện lợi, có thể kể đến Mioto, Sigo, ChungXe, TripX, Xego…
Không sở hữu chiếc xe nào, nhưng với lượng đối tác khổng lồ, Grab đã tham gia cung cấp dịch vụ cho thuê xe theo giờ từ nhiều năm trước. Đối thủ của Grab, nền tảng gọi xe Be quyết định “nhảy” vào lĩnh vực cho thuê xe với dịch vụ beRental.
Nhờ sẵn có lượng lớn xe điện, “tân binh” GSM cũng có mặt trong mảng cho thuê xe cá nhân thông qua các dịch vụ như Xanh Plus, Xanh Tour Green, hay gần nhất là Xanh SM Rentals.
Với Bonboncar, cùng câu chuyện kết nối giữa chủ xe và người thuê, start-up này sẽ nhận ký gửi xe từ người sở hữu. Dựa vào công nghệ, Bonboncar sẽ tự quản lý cũng như chịu trách nhiệm về việc cho thuê chiếc xe đó.
Sencar là start-up cho thuê xe từng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam. Từ xe thuê hoặc tự có, doanh nghiệp cho khách thuê lại và dùng công nghệ để kiểm soát cũng như tiếp cận người có nhu cầu. Sencar hướng đến mô hình chia sẻ xe ô tô như một tiện ích tương tự phòng gym hay hồ bơi trong các chung cư.
Hướng đến các gia đình đi du lịch tại Đà Nẵng, Ahamove - một trong những “chuyên gia” trong mảng vận chuyển, vừa ra mắt mảng cho thuê xe tự lái bằng các dòng xe điện VinFast.
Việc phát triển thị trường đến đâu cũng là vấn đề, vì cho thuê xe tự lái nên sẽ có hạn chế là lượng người có bằng lái ô tô còn ít. Tại TP.HCM, ước tính chỉ 3% dân số có bằng lái xe B1, B2. Các tỉnh lẻ còn ít hơn nhiều.
Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, thuê xe tự lái sẽ là xu hướng của tương lai. Thống kê cho thấy, số người tìm kiếm từ khóa cho thuê xe tự lái ngày càng tăng nhanh.