Chuyển đổi số của phần lớn các ngân hàng chỉ đang ở giai đoạn 1
Trả lời câu hỏi của Ban tổ chức trên góc độ là một nhà nghiên cứu khoa học, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết xu hướng chuyển đổi số trong ngành tài chính hiện nay trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" được tổ chức ngày 5/6/2022 tại TP.HCM.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, sự phát triển của công nghệ tác động đến xu hướng chuyển đổi số của ngành tài chính thể hiện ở ba cấp độ.
Thứ nhất, bên trong nội bộ tổ chức: đó là sự gia tăng các quy trình tự động hoá, chú trọng đến sự trải nghiệm của khách hàng, phát triển các kênh kinh doanh trực tuyến.
Thứ hai, ở cấp độ mạng lưới kinh doanh: các tổ chức tài chính kết nối nhiều hơn với các đối tác chuyên môn hóa bên ngoài nhất là các công ty công nghệ tài chính, 999- đây là các nhóm có văn hóa doanh nghiệp rất khác biệt so với các tổ chức tài chính truyền thống.
Thứ ba, ở cấp độ bên ngoài tổ chức: đã có sự thay đổi lớn về môi trường pháp lý, các tổ chức tài chính chịu sự giám sát chặt chẽ hơn ở quy mô toàn cầu.
Các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức đầu mối tập trung không còn là nơi duy nhất cung cấp các cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng, xuất hiện ngày càng nhiều đối tác khác nhau tham gia cung cấp trên cơ sở phi tập trung hoá.
Lấy ví dụ về xu hướng chuyển đổi số của ngành ngân hàng chẳng hạn, nhìn chung tiến trình này diễn ra theo ba giai đoạn điển hình.
Giai đoạn 1: Các ngân hàng phản ứng với hình thức cạnh tranh mới bằng cách phát triển các kênh kỹ thuật số mới, một số sản phẩm số mới và số hoá giao diện.
Giai đoạn 2: Các ngân hàng thích ứng công nghệ, tiến hành nâng cấp các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số theo module, linh hoạt hơn để tăng tốc độ phát triển các sản phẩm mới.
Giai đoạn 3: Chiến lược định vị. Các ngân hàng dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số sẽ nỗ lực để các khoản đầu tư lớn vào công nghệ tạo ra vị thế cạnh tranh thông qua các chiến lược chuyển đổi số toàn diện cấu trúc tổ chức của mình.
Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ trong 4-5 năm gần đây. Kết quả khảo sát Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc Gia TP.HCM thực hiện năm 2021 cho thấy, chỉ có một số ít ngân hàng lớn có lợi thế về vốn đã có sự đầu tư đáng kể nhằm thích ứng với công nghệ tức là đang ở giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số.
Phần lớn các ngân hàng chỉ đang ở giai đoạn 1, dựa trên nền tảng ngân hàng trực tuyến web-banking và mobile banking. Chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam hiện đang tập trung chủ yếu vào khối bán lẻ và ứng dụng ngân hàng di động vẫn là thành phần đóng vai trò quan trọng nhất, kế tiếp sau đó là hợp tác với các công ty fintech.
Nghiên cứu kể trên của chúng tôi cũng cho thấy có sự phân hóa theo quy mô trong việc đầu tư cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam.
Các ngân hàng nhỏ có xu hướng phụ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ thông tin giá rẻ, đơn giản vì họ không có đủ năng lực tài chính, công nghệ và nhân sự để tiếp quản thành công các ứng dụng công nghệ tương tự như các ngân hàng lớn.
Vì vậy, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nghĩ rằng, các ngân hàng có quy mô nhỏ cần có chính sách đầu tư thích đáng để vượt qua thách thức trong việc cân đối nguồn lực để triển khai các ứng dụng công nghệ, thu hút nguồn nhân lực có năng lực quản lý dữ liệu, bảo mật, phát triển phần mềm.
Cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech cả ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm
Cũng theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, về mặt chính sách của nhà nước, nghiên cứu đã nêu cho thấy, các quy định pháp lý là yếu tố hết sức quan trọng và được các ngân hàng Việt Nam quan tâm đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số.
Hiện tại khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) được xem là một công cụ hữu ích để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ở các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên sandbox cho các giải pháp fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam hiện chỉ đang trong quá trình chuẩn bị ban hành Nghị định.
Theo dự thảo, dự kiến chỉ áp dụng cho sáu giải pháp: cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Việc cấp phép thử nghiệm được giao cho Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế, các giải pháp Fintech có thể liên quan đến nhiều hoạt động khác như chứng khoán, bảo hiểm...
Nếu chúng ta chỉ giới hạn ở danh sách sáu giải pháp Fintech kể trên thì trong thời gian tới có thể sẽ phải cần đến một nghị định nghị định khác để bổ sung khung pháp lý thử nghiệm cho các giải pháp Fintech trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm.
"Theo chúng tôi, nên cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech cho ba mảng lớn là: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm; tương ứng theo đó, việc cấp phép thử nghiệm sẽ giao cho các cơ quan quản lý của từng lĩnh vực này", PGS TS Khánh nói.
Đồng thời, cân nhắc xây dựng một khuôn khổ chính sách chung cho cả ba lĩnh vực và từ đó thì có các quy định điều tiết cụ thể dựa trên tính chất rủi ro của từng hoạt động vì mỗi hoạt động sẽ có một rủi ro khác nhau nhằm giúp tránh được các lỗ hổng pháp lý (regulatory arbitrage).
Các nhà hoạch định chính sách cần có một tiếp cận cởi mở nhằm cân bằng được giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường.
Hàm ý cuối cùng mà ông Khánh muốn nêu ra ở đây đó là vấn đề nhân lực số. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy việc phát triển nhân lực số nói chung và cho ngành tài chính nói riêng. Chẳng hạn như cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động.
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, các trường đại học sẽ phải tiếp tục cải tổ chương trình đào tạo lĩnh vực tài chính-ngân hàng để gia tăng tính liên ngành, xuyên ngành gắn kết khối kiến thức kinh tế tài chính-ngân hàng với khối kiến thức công nghệ nhằm giúp người học đủ khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường nhân sự lực số.