Netflix chưa thực hiện thủ tục cần thiết để có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet tại Việt Nam. |
Netflix vẫn ngoài vòng pháp luật
Năm 2016, Netflix chính thức vào thị trường Việt Nam và hiện có khoảng 300.000 thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, Netflix vẫn ở “ngoài vòng pháp luật” khi không có giấy phép cung cấp dịch vụ, không thành lập chi nhánh, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Netflix chưa thực hiện thủ tục cần thiết để có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet tại Việt Nam; nội dung truyền hình cung cấp trên dịch vụ của Netflix không được biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam; phim điện ảnh, phim truyền hình chưa thực hiện các yêu cầu về biên tập, cấp phép phổ biến phim; thực hiện thanh toán quốc tế trực tiếp từ tài khoản thanh toán quốc tế của người dùng Việt Nam và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước Việt Nam.
Về nội dung trên dịch vụ, vì không thực hiện biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên nhiều nội dung cung cấp trên Netflix đã vi phạm các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam (nhiều nội dung truyền hình, phim về bạo lực, khiêu dâm, sử dụng ma túy, chống đối nhà nước Việt Nam…).
Những bằng chứng vi phạm này đã được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi trực tiếp đến đại diện pháp lý của Netflix trong các buổi họp tham vấn về chính sách, pháp luật Việt Nam.
Tháng 9/2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có cuộc làm việc và yêu cầu 4 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tivi hàng đầu tại Việt Nam vô hiệu hóa tính năng truy cập dịch vụ Netflix tích hợp cố định trên điều khiển từ xa của TV thông minh (Smart TV) bán ra tại thị trường Việt Nam.
Ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV cho rằng, không chỉ không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về giấy phép hoạt động, thực hiện biên tập và kiểm duyệt nội dung, Netflix tại Việt Nam còn không đóng 3 loại thuế là thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu từ dịch vụ quảng cáo. Chính điều này đã khiến cuộc cạnh tranh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam trở nên bất bình đẳng, đẩy doanh nghiệp của Việt Nam vào thế khó khăn, khi doanh thu và lợi nhuận giảm.
Vẫn chưa đóng thuế
Từ năm 2016 đến nay, những nền tảng xuyên biên giới thường viện dẫn việc “tránh đánh thuế 2 lần” và “không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam” để tránh nộp thuế. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định cụ thể nguyên tắc khai thuế, tính thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Theo đó, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Như vậy, tổng số lượt xem hai dịch vụ OTT nước ngoài cao gấp gần 3 lần tổng số lượt xem của 3 dịch vụ OTT trong nước.
Nguồn: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử
Liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư, đại diện Netflix cho biết: “Chúng tôi luôn tuân theo quy định thuế có thể áp dụng được tại nơi chúng tôi có mặt và cũng đã chủ động gặp gỡ với lãnh đạo ngành thuế Việt Nam”.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: “Netflix cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật”.
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), đơn vị này đã làm việc với Netflix và Netflix khẳng định muốn đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định Việt Nam.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nghĩa vụ nộp thuế của Netflix mới chỉ dừng lại ở việc cam kết và “muốn đăng ký, kê khai nộp thuế”. Trên thực tế, Netflix vẫn chưa đóng một đồng thuế nào cho Việt Nam.
Về việc tuân thủ cung cấp nội dung, đại diện Netflix chỉ trả lời rất ngắn gọn: “Liên quan đến biên tập nội dung, chúng tôi hiểu rằng một số luật vẫn đang trong quá trình thảo luận”. Điều này đồng nghĩa với việc Netflix vẫn chưa thực hiện, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Được biết, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa đổi theo hướng tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước trên cùng điều kiện pháp lý. Điều này có nghĩa là, những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ truyền hình như doanh nghiệp Việt Nam về giấy phép, biên dịch - biên tập, các nghĩa vụ về thuế...