Theo tìm hiểu của Đầu tư Online - Baodautu.vn, khi vào ứng dụng Netflix trên di động hoặc TV thông minh, người dùng dễ dàng tìm kiếm phim này thông qua công cụ tìm kiếm.
Trước đó, hôm 14/9, trong một bức thư chung được gửi bởi ba Trưởng ban Tư pháp bang Ohio, Florida, Texas và Louisiana là ông Dave Yost, ông Ashley Moody ông Jeff Landry và ông Ken Paxton đã thúc giục Giám đốc điều hành Netflix là ông Reed Hastings cắt bộ phim này và nói rằng, bộ phim “Cuties” là miếng mồi ngon cho những kẻ tội phạm tình dục, nhằm bình thường hóa quan điểm rằng trẻ em là những công cụ tình dục.
Cuties đang bị yêu cầu ngưng chiếu vì nội dung có thể tiếp tay cho các tội phạm ấu dâm. |
Theo ông Dave Yost, bộ phim kích thích sự thèm muốn của những kẻ muốn làm hại con trẻ em theo những cách không thể tưởng tượng được. Các Trưởng ban cũng lưu ý thêm rằng, mặc dù đạo diễn Maïmouna Doucouré của bộ phim “Cuties” có ý định chống lại tội phạm tình dục trẻ em hơn là truyền bá tệ nạn ấu dâm, nhưng bộ phim đang đem đến nhiều tác hại hơn là lợi ích.
Đây không phải là lần đầu tiên ứng dụng xem phim trực tuyến này chiếu các tác phẩm gây tranh cãi hoặc nội dung bị sai sót. Trước đó hồi cuối tháng 5, Netflix đã gắn nhầm hình ảnh phố cổ Hội An thành một địa danh của tỉnh Phú Lãng, Trung Quốc trong phim Madam Secretary.
Hiện Netflix có khoảng 300.000 thuê bao tại Việt Nam và trở thành mối đe doạ cho các dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam khi không phải đóng thuế cũng như trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý nội dung.
Trước đó, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) cho biết, VNPay đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp với quan điểm nhất quán là chưa thực hiện việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa đủ các điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt, biên dịch, biên tập nội dung các chương trình như quy định của Luật Báo chí, nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh, thông tin - truyền thông trên mạng Internet và tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong nước.
Theo ông Cường, các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Facebook có khối lượng nội dung thông tin số xuyên biên giới vào Việt Nam rất lớn, được cập nhật liên tục hàng ngày… sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác.