Y tế - Sức khỏe
Ngăn biến chủng Omicron thâm nhập trước thềm năm mới
Tâm Ngân - 23/12/2021 10:57
Biến chủng mới Omicron đã “gõ cửa” nhiều quốc gia Đông Nam Á, nên việc biến chủng này xâm nhập Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Điều cấp thiết là xây dựng các kịch bản để ứng phó.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với biến thể Omicron

Chặn dịch từ biên giới

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, biến chủng Omicron đã được báo cáo ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng, trung bình tăng gấp đôi trong 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực có sự lây truyền trong cộng đồng. Tại Đông Nam Á, biến chủng mới đã xuất hiện tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.

Trong nước, các chuyên gia lo ngại, biến chủng Omicron không chỉ thâm nhập qua đường hàng không, mà còn rất nhiều con đường khác, nên việc siết chặt biên giới rất quan trọng.

Tỉnh Kiên Giang đã huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng (quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế) lập trên 180 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới từ Giang Thành qua TP. Hà Tiên. 

Tỉnh An Giang duy trì 210 tổ, chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới dài 96 km giáp Campuchia, trong đó có 15 tổ tuần tra lưu động. Khu vực biên giới này có nhiều kênh rạch chằng chịt, nên các lực lượng tuần tra phải cơ động bằng thuyền máy, ghe máy để kiểm soát.

Tại Long An, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì 36 chốt cố định, 9 tổ kiểm soát lưu động, huy động gần 600 cán bộ, chiến sĩ tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép kết hợp phòng chống tội phạm; thường xuyên duy trì trao đổi thông tin bằng các hình thức phù hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới phía Campuchia trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm và phòng, chống Covid-19.

UBND tỉnh Long An đã có văn bản chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan vào nội địa. Theo đó, đối với những người ra vào cửa khẩu, biên giới, lực lượng biên phòng sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân, kiểm tra chặt phương tiện nghi vấn. Người vào, ở lại tỉnh phải trình báo công an địa phương hoặc đồn biên phòng gần nhất trong khu vực biên giới. Người nhập cảnh nếu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi thêm 7 ngày tại nhà. Đối với những người làm việc tại cửa khẩu, kể cả các doanh nghiệp đến làm ở các cửa khẩu cũng phải quán triệt đúng quy định.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

PGS-TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh, trong giai đoạn này, việc nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở là mấu chốt. Bên cạnh đó, các tỉnh cần triển khai tốt việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, đảm bảo khi biến chủng mới Omicron xâm nhập thì chủ động được các tình huống.

Các giải pháp được PGS-TS. Nguyễn Việt Hùng chỉ ra là tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây lan dịch bệnh; theo dõi y tế sớm, phát hiện sớm F0 có nguy cơ chuyển nặng; điều trị đúng theo phác đồ để F0 được chăm sóc tốt nhất và nhanh khỏi bệnh; hệ thống hỗ trợ khám, chữa bệnh và hỗ trợ người bệnh từ xa. Mọi tỉnh, thành phố đều phải vận hành tốt hệ thống này.

TP.HCM vừa đề ra 8 giải pháp cụ thể để ứng phó với biến chủng Omicron. Hà Nội cũng vừa yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát trường hợp nhập cảnh từ quốc gia đã ghi nhận biến chủng Omicron; kiểm tra công tác phòng, chống dịch khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…

Đáng chú ý, các địa phương được yêu cầu triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 diễn biến nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; sẵn sàng kích hoạt cơ sở tiếp nhận điều trị F0; chỉ đạo điều tiết, hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị giữa xã, phường, thị trấn.

Về phía Bộ Y tế, trước thềm năm mới, vừa để chống dịch, vừa ngăn biến chủng Omicron thâm nhập, Bộ đã đề xuất dừng hoạt động đông người không cần thiết để phòng dịch. Đồng thời yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện này để xét nghiệm giải trình tự gen, xác định biến chủng Omicron…

Việc tăng cường các biện pháp chống dịch là cần thiết, bởi hai kỳ nghỉ lễ lớn trong năm sắp cận kề. Thời điểm này, nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao kèm theo đó nguy cơ bùng phát dịch rất dễ xảy ra. Nếu chủ quan, lơi lỏng vào lúc này rất dễ dẫn đến hậu quả khó lường.

Tin liên quan
Tin khác