Y tế - Sức khỏe
Ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp hè
D.Ngân - 10/05/2024 18:35
Trong tháng 4/2025, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 267 người bị ngộ độc. Vào đầu tháng 5, lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, đáng chú ý là vụ ngộ độc khiến 568 người phải nhập viện ở Đồng Nai.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ở nhiều địa phương, trong đó có một số vụ ngộ độc làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.

Vi khuẩn Salmonella gần đây đã xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn ở Việt Nam. 

Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam và nhiều vụ ngộ độc tập thể ở Nha Trang, trong đó có vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh, đường Bà Triệu và hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool Nha Trang nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong; vụ ngộ độc sau đêm trung thu ở TP.HCM.

Ảnh minh họa.

Ngành Y tế nhận định, từ nay đến tháng 8 là thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc do thời tiết nắng nóng dễ khiến thức ăn, thực phẩm bị ôi, thiu... dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm.

Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, nhất là tại các khu vực đông khách du lịch dịp hè.

Tại một số địa phương chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là tuyến cơ sở chưa coi trọng hoặc còn tâm lý nể nang trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Ðặc biệt, tình trạng buôn bán thực phẩm ăn sẵn, thực phẩm chế biến ngay trên hè phố, lòng lề đường tại những nơi tập trung đông người đang trở nên phổ biến ở nhiều địa phương.

Ðáng lo ngại, khi người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm phần lớn sẽ hết sau vài ngày điều trị, nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ.

Để phòng bệnh, người dân phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, đừng thả nổi để người dân phải gánh hậu quả nặng nề.

Về phía cơ quan chức năng, được biết hiện ngành Y tế các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trong đó, chú ý đến ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên, nhất là các địa phương khu vực miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên; ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ đối với các tỉnh, thành phố ven biển khi mùa du lịch đang đến...

Các cơ quan chuyên môn tập trung kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 đến 15/5) đang diễn ra trên phạm vi cả nước với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ðặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng tăng so với năm 2022. Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương.
Tin liên quan
Tin khác