Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng "bước tiếp" sau Basel II
Như Loan - 21/12/2020 08:02
Trong số 31 ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay, 18 đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận triển khai Basel II theo phương thức cơ bản (theo Thông tư 41).

Trong khi số lượng nhà băng đáp ứng 3 trụ cột Basel II mới dừng ở con số 7, một vài đơn vị đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và chuẩn bị hướng tới Basel III.

Tiềm lực sẵn có để triển khai Basel

Một trong những đơn vị hoàn thành Basel II trước thời hạn và đang từng bước triển khai Basel III là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết: “Để đạt tốc độ triển khai Basel II nhanh chóng và hoàn thành trước thời hạn, ngân hàng đã định hướng và chuẩn bị nền tảng từ 10 năm trước - thời điểm bắt đầu tái cấu trúc toàn diện”. Với sự tư vấn của McKinsey về việc xây dựng ngân hàng dựa trên các chuẩn mực quốc tế, mỗi kế hoạch triển khai đều được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng để từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về rủi ro và nguồn vốn theo thông lệ nước ngoài.

“Tất cả các Giám đốc Khối Quản lý rủi ro (CRO) của MSB từ hơn 10 năm nay đều là người ngoại quốc giàu kinh nghiệm trong việc triển khai Basel II và Basel III… Toàn bộ quá trình thực hiện Basel II gần như không cần sự tư vấn từ bên ngoài, phần lớn đều tự làm. Đó là một điều hãnh diện của ngân hàng”, ông Linh nói.

Từ 2021, MSB dự kiến bắt đầu triển khai đo lường và quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III. Ảnh: MSB

Sau khi khởi động dự án Basel II, năm 2015, MSB tiến hành sáp nhập với Mekong Bank. Vốn điều lệ ngân hàng nâng từ 8.000 tỷ đồng lên 11.750 tỷ đồng, nằm trong top 3 trên thị trường. Hệ số an toàn vốn (CAR) thời gian đó của MSB rất cao, trên hai mươi phần trăm, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,92% vào cuối năm.

MSB khi đó đã đáp ứng chỉ tiêu an toàn vốn - một yếu tố của trụ cột thứ nhất Basel II và cũng là vấn đề nhiều đơn vị “vướng” khi triển khai. Trong 5 năm tới, Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện, tuân thủ các yêu cầu, nguyên tắc khác liên quan đến bảo mật, quy trình nội bộ - những yếu tố cần thời gian để thay đổi trong hệ thống. Không chỉ dừng lại ở Basel II, theo ông Linh, Ngân hàng đang bắt đầu xây dựng các quy chuẩn và tiến tới áp dụng Basel III trong nội bộ.

Tiếp tục củng cố nguồn vốn

Basel III là khuôn khổ quản trị rủi ro với những tiêu chí chặt chẽ hơn, được Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) công bố năm 2010. Mục tiêu của chuẩn mới là đối phó với khủng hoảng tài chính, nâng cao tính bền vững của ngân hàng, góp phần ngăn những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.

Kế hoạch 2021 trở đi, MSB sẽ bắt đầu triển khai đo lường và quản trị rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường theo chuẩn mực Basel III, triển khai theo phương pháp nâng cao theo chuẩn mực Basel II đối với rủi ro tín dụng và triển khai IFRS 9. Những yếu tố này, theo lãnh đạo ngân hàng, là cơ sở để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn nhận, đánh giá cao, từ đó tăng cơ hội hợp tác với ngân hàng. MSB luôn để mở cơ hội chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong các đợt tăng vốn.

Riêng năm tới, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng trưởng 30% lợi nhuận trên cơ sở tăng trưởng các tài sản sinh lời chính, tối ưu và tăng mức sinh lời của tài sản. Ngân hàng sẽ nâng vốn chủ sở hữu thông qua việc bán 82 triệu cổ phiếu quỹ, phát hành cổ phiếu ESOP.

Trên thực tế, sau 11 tháng của năm 2020, tổng tài sản MSB tăng 13% lên hơn 166.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và vượt 60% kế hoạch năm. Hệ số CAR là 10,8%, cao hơn mức tối thiểu 8% NHNN đặt ra. Trong trường hợp tăng trưởng kinh doanh vượt chỉ tiêu, MSB có thể tính đến huy động vốn qua chào bán cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu cấp 2, tùy điều kiện thị trường.

Tính đến cuối tháng 9/2020, nhà băng này có lợi nhuận lũy kế chưa phân phối qua các năm hơn 4.710 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hơn 16.161 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm.

Tin liên quan
Tin khác