Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng chạy đua hút tiền gửi sau Tết
Nhuệ Mẫn - 06/02/2017 20:45
Nếu như trước thời điểm Tết Nguyên đán, người dân có thói quen “tích” tiền mặt nhằm phục vụ cho việc mua sắm, nghỉ lễ, khiến các ngân hàng căng thẳng chuyện thanh khoản, thì ra Tết, câu chuyện sẽ đảo ngược khi người dân gộp tiền để đầu tư hoặc lựa chọn an toàn là gửi tiết kiệm.

Sôi động khuyến mại sau nghỉ Tết

Nắm bắt được tâm lý này, các ngân hàng đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Chẳng hạn, SCB thực hiện chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân” gửi tặng khách hàng gửi tiền mới, tái tục tài khoản tiền gửi, lĩnh lãi định kỳ hoặc mở mới Tài khoản đa năng, Tài khoản Lộc Phát với tổng giá trị lên đến 2 tỷ đồng.

Cụ thể, trong 2 ngày: 2/2 và 3/2/2017 (mùng 6 và mùng 7 Tết âm lịch), khách hàng đến gửi tiền tại điểm giao dịch bất kỳ của SCB trên toàn quốc sẽ nhận được 1 bao lì xì may mắn hoặc tham gia hái lộc xuân rinh tiền mặt đến 200.000 VND. Tương tự, PGBank tặng lì xì may mắn cũng trong 2 ngày đầu năm mới (2/2 và 3/2).

OCB tổ chức chương trình khuyến mãi “Tân niên phú quý, lộc phát an khang” diễn ra từ ngày 9/1/2017 - 7/4/2017 với cơ cấu giải thưởng đa dạng, giá trị, đồng thời dành tặng hơn 6.000 bao lì xì may mắn đầu xuân cho các khách hàng gửi tiền từ ngày 6/2/2017 - 11/2/2017.

Tại TPBank, “theo thông lệ hàng năm, Ngân hàng tiếp tục triển khai chương trình lì xì khách hàng đến gửi tiết kiệm những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ với mệnh giá lên đến 200.000 VND và chương trình được kéo dài cho đến khi hết phong bì lì xì”, một nhân viên giao dịch TPBank tại Chi nhánh Trung Hòa cho biết.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, ngay ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ lễ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tiền gửi đã quay trở lại hệ thống nhiều hơn. Dù không cho biết số liệu cụ thể nhưng vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, tuy tình hình thanh khoản đã được cải thiện rất nhiều so với 4 năm trước nhưng nguồn cung tiền mặt tại hệ thống ngân hàng trước Tết cũng khá căng thẳng. Do vậy, cơ quan này đã bơm ra một lượng tiền lớn thông qua thị trường mở (OMO).

Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã bơm mới 93.482 tỷ đồng qua kênh OMO trong khi không có lượng vốn đáo hạn trong tuần.

Trong một diễn biến khác, lãi suất liên ngân hàng vẫn giữ xu hướng tăng tuần thứ ba liên tiếp trong tháng 1/2017 với biên độ từ 0,03% - 0,1%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,02%, đạt mức 5,01%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,03%, đạt mức 5,08%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,1% đạt mức 5,17%/năm.

Lựa chọn điểm rót vốn an toàn

Năm 2017 được dự báo sẽ là quãng thời gian đầy biến động đối với nền kinh tế thế giới và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện tại, thị trường nội địa chắc chắn cũng sẽ chịu tác động tại mọi lĩnh vực. Trong hoàn cảnh này, việc đưa ra quyết định đầu tư, vốn chưa bao giờ dễ dàng, lại càng trở nên khó khăn hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, trong tất cả các kênh đầu tư, chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất nhưng đi kèm với đó là rủi ro cao nhất. Năm 2017, với những bất ổn trong môi trường kinh tế - chính trị trên toàn cầu, thị trường chứng khoán sẽ là một trong những thị trường chịu tác động mạnh mẽ bậc nhất, với những diễn biến rất khó lường.

Đối với thị trường vàng, các chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là chính sách bảo hộ mậu dịch, có thể gây sốc cho các thị trường tài chính, khiến giá vàng nhiều khả năng sẽ có biến động rất mạnh.

Thị trường bất động sản luôn là một ẩn số lớn, tuy nhiên, với việc phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cũng như thế giới, các chuyên gia kinh tế dự báo thị trường này khó có thể bứt phá mạnh năm 2017.

Trong bối cảnh này, câu chuyện của nhà đầu tư, cũng như của tất cả mọi người là vấn đề an toàn vốn, các kênh đầu tư rủi ro cao nhiều khả năng sẽ không được ưa chuộng.

“An toàn nhất vẫn là tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng bởi hệ thống sẽ ổn định cùng sự bảo vệ của Ngân hàng Nhà nước, dù đây không phải địa chỉ mang lại lợi nhuận tốt nhất”, TS. Hiếu nói.

Vấn đề đối với người có tiền sẽ là gửi tiền vào ngân hàng nào? Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao nên xu thế lựa chọn những ngân hàng phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn, mức độ tin cậy cao ngày càng mạnh mẽ.

Chưa kể, với sự phát triển của internet, công nghệ, người dân không còn quá khó khăn như thời gian trước trong việc tìm kiếm thông tin. Do vậy, khách hàng có xu hướng so sánh để lựa chọn gửi tiết kiệm ở ngân hàng vừa yên tâm về uy tín, vừa có mức lãi suất hấp dẫn, thời gian gửi linh hoạt và nhận được những ưu đãi, quà tặng hấp dẫn, có ý nghĩa đặc biệt...

“Nhưng trên tất cả, đó là chế độ chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Như tôi có món tiền gửi tiết kiệm chỉ 50 triệu đồng tại SCB nhưng đều đặn khi đến hạn, Ngân hàng gửi tin nhắn qua điện thoại nhắc nhở, khác hẳn với một ngân hàng khác với sổ tiết kiệm gần 100 triệu đồng nhưng “quên” đến 2 năm cho đến khi khách hàng nhớ ra. Chế độ chăm sóc khách hàng tốt sẽ quyết định việc khách hàng có đồng hành cùng với ngân hàng hay không”, chị Hồng Nhung, Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác