Phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 chỉ là phương án tạm thời trong khi ngân hàng chưa tăng được vốn cấp 1. Ảnh: Đ.T |
Chỉ là hoạt động “gối đầu” bình thường
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, 8 tháng đầu năm, số lượng phát hành trái phiếu của các nhà băng lên tới 56.000 tỷ đồng. Đi ngược lại với làn sóng tăng vốn, gần đây, một loạt ngân hàng thông báo mua lại trái phiếu phát hành.
Cụ thể, tuần qua, BIDV thông báo, ngày 19/9 tới, sẽ mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 2 năm 2014, kỳ hạn 10 năm 1 ngày và BIDV có quyền mua lại sau 5 năm. Trước đó, ngày 8/8, ngân hàng này cũng mua lại 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, phát hành đợt 1 vào ngày 8/8/2014 cùng kỳ hạn với loại trên.
Như vậy, đến ngày 19/9, BIDV sẽ mua lại toàn bộ 7.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2014. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng tiền đồng, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV.
Không chỉ BIDV, mới đây, MB cũng công bố mua lại 524 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số gần 2.995 tỷ đồng phát hành năm 2018. Thời hạn của trái phiếu mua lại là 5 năm 1 ngày. Sau khi thực hiện, lượng trái phiếu phát hành năm 2018 còn lại theo mệnh giá của MB là gần 2.471 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền và đáo hạn năm 2023.
Vậy đâu là lý do khiến các ngân hàng một mặt dồn dập phát hành trái phiếu, song lại tăng cường mua về trái phiếu phát hành? Theo lãnh đạo MB, mục đích mua lại trái phiếu đợt này là thực hiện theo yêu cầu của các trái chủ.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng BIDV cho hay, trái phiếu tăng vốn cấp 2 là một loại công cụ nợ đặc thù, vừa có tính chất nợ, vừa có lai tính chất vốn chủ sở hữu, được các ngân hàng thương mại trên thế giới sử dụng rộng rãi để tăng vốn tự có, nâng cao hệ số an toàn vốn.
Tại Việt Nam, theo quy định của NHNN, trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 phải có kỳ hạn ban đầu tối thiểu là 5 năm và bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm giá trị TPTV được tính vào vốn cấp 2 phải được khấu trừ 20% giá trị để đảm bảo đến ngày đầu tiên của năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, giá trị trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp tính vào vốn cấp 2 bằng 0. Chính vì vậy, phần lớn các TPTV phát hành trên thị trường đều kèm theo quyền mua lại của Tổ chức phát hành vào thời điểm 5 năm trước ngày đáo hạn và việc các NHTM thực hiện quyền mua lại trước hạn là hoàn toàn bình thường và phù hợp với lợi ích, hiệu quả của ngân hàng.
Chưa tăng vốn cấp 1, ngân hàng còn phải liên tục “gối đầu” trái phiếu
Theo các chuyên gia ngân hàng, hiện nay, nhu cầu tăng vốn cấp 1 để cải thiện hệ số CAR của các nhà băng đều rất lớn, song việc tăng vốn cấp 1 không đơn giản. Do đó, nhiều năm nay, hầu hết các ngân hàng đều nỗ lực tăng vốn cấp 1 bằng phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 1 (tỷ lệ trái phiếu thứ cấp và nợ thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 tối đa 50% vốn cấp 1).
Do trái phiếu cấp 2 có kỳ hạn và ngân hàng phải thực hiện cam kết mua lại với nhà đầu tư, nên hoạt động mua đi, bán lại để “gối đầu” trái phiếu tăng vốn cấp 2 của ngân hàng diễn ra liên tục. Đơn cử, cùng với việc mua lại 3.300 trái phiếu tăng vốn cấp 2 từ năm 2014, đầu năm nay, BIDV công bố phát hành 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 và mới phát hành được tổng cộng 300 tỷ đồng vào tháng 6 và tháng 7/2019.
Mới đây, BIDV thông báo phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền để tăng vốn cấp 2 (gồm 2.500 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm và 500 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm).
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 chỉ là phương án tạm thời trong khi ngân hàng chưa tăng được vốn cấp 1. “Việc phát hành trái phiếu tăng vốn chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức tối đa vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là tương đương 50% vốn cấp 1. Theo đó, các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn. Giải quyết gốc gác bài toán tăng vốn vẫn phải là thông qua chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư, tức tăng vốn cấp 1”, TS. Lực nói.
Đồng tình ý kiến này, nhiều chuyên gia cảnh báo, quá lạm dụng phát hành trái phiếu tăng vốn sẽ tạo rủi ro và gây áp lực cho ngân hàng trong tương lai, cả về lãi suất và áp lực vốn khi đến kỳ đáo hạn trái phiếu. Tuy nhiên, trong khi chưa thể sớm tăng vốn cấp 1, giải pháp này vẫn sẽ được ngân hàng tăng cường sử dụng. Đây cũng là lý do khiến hoạt động mua đi, bán lại gối đầu trái phiếu tăng vốn cấp 2 tiếp tục nhộn nhịp trong những năm tới.