Ngân hàng
Ngân hàng kỳ vọng nguồn thu ngoài lãi khi tín dụng hạn chế
Thùy Vinh - 09/02/2020 14:35
Tín dụng bị “siết” sẽ tác động lên kết quả kinh doanh từ hoạt động truyền thống cho vay, nên các ngân hàng kỳ vọng, nguồn thu ngoài lãi (mảng dịch vụ) sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 14%, kèm theo kiểm soát chất lượng tín dụng. Cùng với đó, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% tiếp tục được thực hiện. Tất cả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2020 sẽ đều kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, những nhà băng mới được công nhận sẽ được một cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng. Theo tiêu chuẩn Basel II, CAR cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với của Basel I.

Một trong các quy định được cho là đang “siết” dần nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, kiểm soát chặt cho vay ở phân khúc bất động sản cấp cao là quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN áp dụng từ ngày 1/10/2020 khi giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống còn 37%.

Tín dụng bị “siết” sẽ tác động lên kết quả kinh doanh từ hoạt động truyền thống cho vay, nên các nhà băng kỳ vọng, nguồn thu ngoài lãi (mảng dịch vụ) sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 12%, tín dụng tăng 14%, phụ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng của NHNN, duy trì nợ xấu dưới 0,8%. Đến năm 2025, mục tiêu lợi nhuận Vietcombank dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp vào tổng lợi nhuận dự kiến 1 tỷ USD.

Trong năm 2020, VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 6-8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8-10%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 10% trở lên so với năm 2019 và tăng trưởng lợi nhuận từ 10% trở lên với việc đẩy mạnh tỷ trọng thu nhập từ SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) và bán lẻ.

Tương tự, BIDV đặt mục lợi nhuận trước thuế hợp nhất 12.600 tỷ đồng năm 2020. ACB dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 8.700 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 25%. Eximbank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020, với lợi nhuận trước dự phòng 2.400 tỷ đồng.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank nhận định, kinh tế năm 2020 được đánh giá có thuận lợi, nhưng vẫn chưa hết khó khăn, do đó, chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận mà VietBank đưa ra cho năm 2020 tăng ít nhất 40% so với năm 2019...

Theo đánh giá của các công ty Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2020 dù quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Đồng thời, bức tranh vĩ mô đang rất ổn định để giúp ngân hàng Việt Nam tăng trưởng thu nhập từ lãi, cũng như từ phí và duy trì chất lượng tài sản để không phải tăng trích lập dự phòng.

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng cả ngành ở mức 13-14%, những ngân hàng đầu ngành khoảng 15 - 16%. Khả năng sinh lời của ngân hàng được cải thiện nhờ chi phí ngoài lãi, đặc biệt là phí từ bán bảo hiểm tăng lên, giúp ngân hàng cải thiện tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) lên mức 1,8% - 2%.

Tin liên quan
Tin khác