Với mục tiêu mở rộng mạng lưới tại các vùng xa xôi, hẻo lánh trên phạm vi cả nước nhằm giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng thí điểm hoạt động từ cuối năm 2017 và chính thức triển khai từ tháng 1/2018, đến nay sau hơn 10 tháng triển khai thực hiện, mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Tính đến 31/10/2018, 30 chi nhánh triển khai đợt 1 đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã tổ chức được 2.045 phiên giao dịch, phục vụ cho 225.288 lượt khách hàng tại 236 xã trong cả nước, trung bình 1 phiên, điểm giao dịch phục vụ cho 110 khách hàng. Từ khi triển khai đến nay, mô hình điểm giao dịch lưu động đã giải ngân, thu nợ cho 8.810 khách hàng với số tiền 1.008 triệu đồng, trong đó giải ngân qua tổ vay vốn là 2.259 tổ với 5.024 khách hàng, giải ngân không qua tổ vay vốn là 3.786 khách hàng.
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2018, 30 chi nhánh thực hiện điểm giao dịch lưu động đã tổ chức được 242 phiên giao dịch, phục vụ cho 30.725 lượt khách hàng, trung bình trong một phiên điểm giao dịch lưu động phục vụ 126 khách hàng. Kết quả thực tế cho thấy, trong 30 chi nhánh thực hiện điểm giao dịch lưu động thì Hà Nam, Đồng Nai, Tuyên Quang, Ninh Bình, Tây Ninh là những chi nhánh triển khai nhiều phiên giao dịch nhất.
Cũng trong tháng 10/2018, các chi nhánh đã tổ chức giao dịch tại 163 xã, trong đó có những chi nhánh đã triển khai trên nhiều địa bàn như Sơn La (20 xã), Lạng Sơn (10 xã), Ninh Bình (14 xã), Thái Nguyên (13 xã). Một số chi nhánh có số lượng khách hàng giao dịch bình quân lớn trong phiên giao dịch như Thanh Hóa 618 khách hàng/1 phiên giao dịch, Hà Tĩnh 148 khách hàng/1 phiên giao dịch.
Bằng việc trang bị những thiết bị tối cần thiết để thuận tiện cho các hoạt động giao dịch tại chỗ, điểm giao dịch lưu động đảm bảo mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay tại ô tô chuyên dùng bao gồm giải ngân các khoản vay đã được phê duyệt; thu nợ, lãi tiền vay... từ khách hàng do Agribank cho vay trực tiếp hoặc cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết với 8.810 khách hàng; cho vay cầm cố bằng số dư thẻ tiết kiệm do Agribank phát hành với 37 khách hàng; huy động tiết kiệm với 3.450 khách hàng... Ngoài ra, các điểm giao dịch lưu động cũng cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích khác như chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, bán bảo hiểm... với 23.208 khách hàng.
Qua đánh giá của chính quyền và nhân dân các địa phương, từ khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Kịp thời chuyển tải đồng vốn đến với bà con nông dân đầu tư phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua điểm giao dịch lưu động, Agribank đang góp phần từng ngày làm đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội tại nhiều vùng quê Việt Nam.
Với những kết quả đạt được từ triển khai điểm giao dịch lưu động đợt 1, tháng 11/2018, Agribank tiếp tục triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 2 giai đoạn I với việc trang bị thêm 38 xe ô tô phục vụ khách hàng địa bàn nông thôn các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.