Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức tăng vốn
Thùy Vinh - 01/04/2019 09:44
Cuộc đua tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng chưa bao giờ có hồi kết, thậm chí ngày một nóng hơn khi lộ trình áp chuẩn Basel II cận kề.
.

Chia cổ tức, cổ phiếu thưởng ở mức cao

Đại hội đồng cổ đông Nam A Bank ngày 23/3 đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng so với mức hơn 3.350 tỷ đồng hiện nay và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM). Trong đó, Nam A Bank chia cổ tức năm 2018 ở mức 18% bằng cổ phiếu. Đây cũng là năm đầu tiên, Nam A Bank chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao để tăng vốn điều lệ so với mức 6-7%/năm trong 2 năm trước đó.

Ngày 24/4 tới, LienVietPostBank sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tại TP.HCM để thông qua phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ và chuyển sang niêm yết trên HoSE. Năm ngoái, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng bằng việc phát hành gần 287 triệu cổ phiếu LPB cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không hoàn tất và đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của nhà băng này mới chỉ ở mức 7.500 tỷ đồng.

Tuy VIB đã hoàn thành việc triển khai và áp chuẩn Basel II, song Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra ngày 28/3 của Ngân hàng đã thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên tới 26,5%, gồm 5,5% cổ tức bằng tiền mặt, 18% bằng cổ phiếu thưởng và 3% cổ phiếu quỹ, tăng vốn điều lệ lên gần 11.000 tỷ đồng, tức tăng thêm 3.074 tỷ đồng so với hiện tại. 

Ngày 22/4, ACB sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Một trong những nội dung quan trọng được ACB trình cổ đông trong kỳ đại hội này là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phần phổ thông và tờ trình ủy quyền cho HĐQT quyết định về việc bán cổ phiếu quỹ. Theo báo cáo tài chính năm 2018, ACB đang sở hữu 41,42 triệu cổ phiếu quỹ. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, khả năng, ACB sẽ bán số cổ phiếu quỹ này để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trước năm 2020. 

Áp lực trước giờ G

Đến nay, trong số 10 ngân hàng thí điểm Basel II, mới chỉ có 2 ngân hàng chính thức áp dụng là Vietcombank, VIB và một ngân hàng nằm ngoài danh sách này là OCB. Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn tiếp tục đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR.

Ngoài 8 ngân hàng còn lại (VPBank, Techcombank, ACB, Sacombank, VietinBank, BIDV, MSB, MB), nhiều ngân hàng đang tái cơ cấu cũng không đứng ngoài yêu cầu tăng vốn để nâng hệ số CAR nhằm đáp ứng Basel II. Hầu hết các ngân hàng còn lại trong danh sách thí điểm đã có báo cáo gửi NHNN rằng, họ sẽ đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong năm 2019.

Xem xét hệ số an toàn vốn hiện nay, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, Techcombank, MSB, MB và ACB có thể đáp ứng yêu cầu này từ năm 2019. Tuy nhiên, để có khoảng cách an toàn vốn đủ cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các ngân hàng phải nỗ lực rất nhiều để huy động thêm vốn trong năm 2019.

Trong khi đó, BIDV và VietinBank buộc phải tăng vốn chủ sở hữu thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn vốn mới, do hệ số CAR tính theo quy định hiện hành đã rất gần 9%, còn CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN còn thấp hơn 8%. Trong khi chờ đợi việc tăng vốn, theo VDSC, BIDV và VietinBank vẫn sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện hệ số CAR bằng việc tái cơ cấu danh mục tài sản theo hướng tập trung vào các tài sản có mức độ rủi ro thấp hơn, tăng cường xóa nợ và trích lập dự phòng.

Tin liên quan
Tin khác