Việc mở các chi nhánh mới là bước đi quan trọng trong chiến lược thúc đẩy kinh doanh của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam. |
Gương mặt cũ mở rộng hoạt động
Ngân hàng Shinhan tuyên bố mở rộng phạm vi hoạt động, với việc thành lập 1 chi nhánh mới tại Hà Nội, 2 chi nhánh mới tại TP.HCM, nâng tổng số văn phòng của Ngân hàng tại Việt Nam lên 46, củng cố vị thế là ngân hàng ngoại có quy mô hoạt động lớn nhất tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ngân hàng Shinhan cho biết: “Các chi nhánh mới giúp chúng tôi duy trì mạng lưới bán hàng lớn nhất tại Việt Nam trong số các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại đây. Chúng tôi kỳ vọng, một mạng lưới như vậy sẽ xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện hơn trên khắp Việt Nam và qua đó sẽ cố gắng cung cấp các dịch vụ tốt hơn”.
Vào tháng 5/2022, Tập đoàn tài chính Shinhan đã công bố một thỏa thuận trị giá khoảng 90 triệu USD để mua 10% cổ phần của Tiki. Trong đó, 2 đơn vị trực thuộc là Ngân hàng Shinhan và Shinhan Card mua lần lượt 7,44% và 2,56% cổ phần tại trang thương mại điện tử này.
“Dựa trên chuyên môn tài chính của Shinhan và cơ sở dữ liệu của Tiki trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi đang kỳ vọng xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số hội tụ mới tại Việt Nam”, đại diện Shinhan nói.
Ông Kang Gew Won, CEO Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, sau hơn 29 năm hoạt động tại Việt Nam, việc khai trương 3 chi nhánh và phòng giao dịch mới trong năm 2022 là bước đi quan trọng trong chiến lược thúc đẩy kinh doanh của Ngân hàng, nhằm tối ưu hóa dịch vụ ngân hàng số, giao dịch không cần tới quầy, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất có thể.
“Sự đầu tư tiêu chuẩn của Ngân hàng Shinhan trong hành trình chuyển đổi số thông qua sử dụng các công nghệ tiên tiến trong các sản phẩm, dịch vụ và quy trình nhằm hướng tới mục tiêu ‘đổi mới thân thiện’ và trở thành ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030”, ông Kang Gew Won nói.
Một gương mặt khác của Hàn Quốc là Woori Bank lại đi theo hướng mở rộng hợp tác tại Việt Nam. Mới đây, ngân hàng này đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) để cùng tung ra các sản phẩm tín dụng mới tại Việt Nam. Sản phẩm tín dụng do 2 bên hợp tác sẽ được triển khai trên nền tảng phê duyệt và giải ngân khoản vay không cần hồ sơ, không thẩm định thực địa đối với người lao động làm việc trên 6 tháng tại các công ty có xếp hạng uy tín.
Theo đại diện Woori Bank, để đạt được mục tiêu “ngân hàng số 1 về kỹ thuật số và bán lẻ”, Ngân hàng đang tập trung toàn bộ vào lĩnh vực kinh doanh bán lẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật số, qua đó tạo đà phát triển để vượt qua những hạn chế của ngân hàng nước ngoài và cạnh tranh được với các ngân hàng nội địa hàng đầu của Việt Nam.
Gương mặt mới cũng sợ chậm chân
Ngân hàng Kasikornbank (KBank) của Thái Lan vừa chính thức khẳng định sự xuất hiện của mình tại Việt Nam bằng một lễ khai trương chi nhánh khá rầm rộ mới đây tại TP.HCM. Ngay trong buổi lễ, tổ chức tài chính lớn nhất Thái Lan này không ngần ngại tiết lộ tham vọng trở thành ngân hàng số tại khu vực Đông Nam Á và tập trung vào phát triển tại thị trường Việt Nam.
Với mục tiêu đầu tư khoảng 75 triệu USD, KBank có kế hoạch tăng cường mạng lưới dịch vụ trong AEC + 3 (ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc). Đến năm 2023, KBank sẽ triển khai cho vay khoảng 560 triệu USD tại thị trường Việt Nam và có 1,2 triệu khách hàng bán lẻ tại đây.
Bà Kattiya Indaravijaya, CEO KBank rất lạc quan về triển vọng hậu đại dịch đối với nền kinh tế ASEAN. “Bên cạnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, tỷ lệ dân số trẻ ngày càng tăng chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN. Hơn nữa, nền kinh tế của khối được dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn lối sống số hóa”, bà Indaravijaya chia sẻ.
Ông Pipit Aneaknithi, Chủ tịch KBank cũng tiết lộ, Ngân hàng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các giải pháp ngân hàng số hoàn chỉnh cho tất cả phân khúc khách hàng, với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng.
Vào tháng trước, Bank of America (BofA) - ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ được thành lập năm 1904 - cũng đã nộp đơn xin mở chi nhánh tại TP.HCM với số vốn khoảng 50 triệu USD. BofA từng có văn phòng đại diện tại TP.HCM cho đến năm 2002 khi ngân hàng mẹ tại Mỹ tiến hành kế hoạch tái cấu trúc hệ thống.
Ông Madhu Kannan, Phó chủ tịch điều hành Ngân hàng doanh nghiệp và Đầu tư toàn cầu của BofA cho biết, BofA đang quản lý tài sản của khoảng 450 nhà đầu tư hàng đầu thế giới và cũng có những lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng phát triển trở thành trung tâm tài chính trong tương lai của TP.HCM.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển Han Quốc (KDB) đầu năm nay cũng xác nhận ý định mở chi nhánh tại Hà Nội. Theo thông báo, KDB sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi mở văn phòng tại đây.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) và Công ty Chứng khoán Hana (HSC), thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana - công ty mẹ của Ngân hàng KEB Hana, đã bắt tay hợp tác chiến lược. HSC sẽ chủ động hỗ trợ BSC xây dựng kế hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là chuyên về chuyển đổi số và thành lập công ty quản lý quỹ.
Đại diện Cathay United Bank Việt Nam đến từ Đài Loan từng chia sẻ rằng, tại Việt Nam, dù chủ yếu tập trung phục vụ khách hàng doanh nghiệp, nhưng Ngân hàng vẫn liên tục đánh giá các cơ hội của mảng ngân hàng bán lẻ.
“Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi tại Đài Loan, mảng ngân hàng bán lẻ sẽ phát triển theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Các ngân hàng truyền thống buộc phải chuyển đổi và thích ứng với cách tiếp cận mới để phục vụ khách hàng toàn diện hơn”, đại diện Cathay United Bank Việt Nam cho biết.