Từ năm 2015 đến nay, rất nhiều ngân hàng lên kế hoạch bán cổ phần cho đối tác ngoại, nhưng đến thời điểm này, mới duy nhất Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thành công. Với việc rót 403,105 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) để sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) đã chính thức trở thành cổ đông quan trọng của TPBank. Với cổ đông mới này, TPBank đã chính thức đạt quy mô ngân hàng tầm trung với tổng tài sản trên 83.200 tỷ đồng, vốn điều lệ 5.842 tỷ đồng.
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã rót 18,3 triệu USD để sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank |
Theo các chuyên gia ngân hàng, TPBank thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào thời điểm ngành ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức là nhờ ngân hàng này tuy nhỏ nhưng phát triển lành mạnh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là lợi thế ngân hàng số. Đồng thời, việc IFC lựa chọn TPBank trong số nhiều ngân hàng chào mời cũng phần nào cho thấy khẩu vị của nhà đầu tư ngoại đang thay đổi.
Những năm trước đây, Việt Nam là một thị trường béo bở đối với các nhà đầu tư ngoại. Khó khăn trong việc xin giấy phép thành lập ngân hàng con khiến nhiều ngân hàng vội vã kết duyên cùng ngân hàng trong nước. Thế nhưng, vài ba năm trở lại đây, nhà đầu tư ngoại đã thận trọng hơn, “kén” đối tác hơn. Do đó, kể cả những ngân hàng nới room vốn ngoại đến 100% như GPBank cũng không tìm được đối tác, cả Tập đoàn UOB (Singapore) và Hongleong Bank (Malaysia) sau khi khảo sát đều lần lượt ra đi.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét, cách đây 20 năm, tất cả các ngân hàng trên thế giới, kể cả Mỹ, châu Âu đều nhìn thấy tiềm năng và tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam. Song mấy năm gần đây, một số ngân hàng Mỹ, châu Âu có xu hướng rút khỏi Việt Nam hoặc thu hẹp hoạt động. Ngược lại, một số ngân hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN lại có xu hướng tăng mạnh đầu tư sang Việt Nam.
Các ngân hàng trong khu vực sang Việt Nam chủ yếu đi theo các doanh nghiệp nước họ, chứ không nuôi tham vọng thu hút khách hàng nội địa. “Miếng bánh ngân hàng Việt không còn hấp dẫn như trước nữa trong mắt các nhà đầu tư ngoại, trừ một số nhà đầu tư trong khu vực. Vì vậy, thời điểm này, gọi vốn ngoại với các ngân hàng trong nước không dễ”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo phân tích của giới chuyên gia, có 3 yếu tố chính mà nhà đầu tư ngoại quan tâm khi có ý định đổ vốn vào ngân hàng Việt: thị phần, khả năng sinh lời, quản lý vốn. Tuy nhiên, với cả 3 yếu tố này, thời gian qua, hầu như các nhà đầu tư nước ngoài chưa được thỏa mãn. Về thị phần, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay tiềm ẩn rủi ro nên mục tiêu mở rộng thị phần với khối nội làm nhà đầu tư ngoại quan tâm.
Về sinh lời, nợ xấu của Việt Nam, theo nhiều nhà đầu tư ngoại, vẫn thiếu rõ ràng, nên họ không dám chắc ngân hàng nào thực sự có lời. “Nợ xấu vẫn trong bóng tối, nếu phân loại và trích lập đầy đủ, nhiều ngân hàng Việt Nam thậm chí còn lỗ. Vì vậy, nhiều ngân hàng ngoại không thấy cơ hội sinh lời nếu đầu tư vào ngân hàng nội”, ông Hiếu nhận xét.
Về quản lý vốn, hiện nay, tỷ lệ sở hữu tối đa với một cổ đông chiến lược nước ngoài tại ngân hàng trong nước là 20%, sở hữu tối đa của khối ngoại tại một ngân hàng nội là 30%. Với tỷ lệ này, nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngân hàng Việt chỉ đơn thuần là nhà đầu tư tài chính, không có đủ tiếng nói để thực hiện những thay đổi về quản trị, đưa ra định hướng, chiến lược… nhằm khai thác tiềm năng của mình.
Theo các chuyên gia ngân hàng, trước sức ép hội nhập, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải mở cửa nhiều hơn trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, khi đầu tư vào lĩnh vực này, các nhà đầu tư ngoại sẽ cân nhắc tự kinh doanh hay liên kết với đối tác Việt. Trong trường hợp liên kết, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn, chỉ lựa chọn những đối tác có tiềm năng tăng trưởng. Trong bối cảnh này, chỉ những ngân hàng khỏe mới mong tìm được đối tác để “kết hôn”.