Tăng trưởng tín dụng: Chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết: “Tín dụng 2017 tăng trưởng hợp lý ở mức 18,17%. Nếu không tính khoản tín dụng ủy thác, tín dụng thực tế thì tăng 17,5%. Đây là chỉ số phù hợp với định hướng của NHNN và chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, tín dụng đảm bảo an toàn, tập trung vào sản xuất, kinh doanh”.
Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 22,13%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn tăng 22,1% so với cuối năm trước. Trong khi đó, tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát, nên chỉ tăng chậm.
NHNN cũng cho biết, định hướng điều hành các giải pháp tín dụng trong năm 2018 nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
“Tập trung, nỗ lực đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới, đồng thời chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả… là các nhiệm vụ lớn, đòi hỏi ngành ngân hàng phải rất cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Tín dụng cần tập trung vào những lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”.
Hạ lãi suất: Tính toán phù hợp lợi ích chung
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong năm 2017 từ 0,5-1%/năm và sẽ tiếp tục giảm. Điều này được cụ thể hóa ngay tại Hội nghị khi ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank tuyên bố: “Ngày 10/1, Agribank thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay cả ngắn và trung hạn đối với các đối tượng trong Thông tư 39/2017/TT-NHNN”.
Cũng trong ngày 10/1, Vietcombank đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm.
Cụ thể, đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm sẽ được đồng loạt giảm 0,5%/năm về mức 6%/năm; đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm; các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm.
NHNN cho biết, trong năm 2018, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ TCTD thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.
Trong năm 2017, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5-1%/năm |
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Nhanh hơn và quyết liệt hơn
Đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt, thông tin từ NHNN cho biết, đến nay mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại, nhưng cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu như bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành được thay đổi, kiện toàn và củng cố một bước; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; lỗ kinh doanh có xu hướng giảm dần; tập trung phân loại và xử lý thu hồi được một phần nợ xấu.
“Tuy nhiên, để có thể xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém và phục hồi 3 ngân hàng này, đòi hỏi phải có các giải pháp và biện pháp hỗ trợ mang tính đột phá, khả thi và thời gian đủ dài. Hiện nay, NHNN đã hoàn thiện phương án xử lý các ngân hàng trên và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trên cơ sở Luật Các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua”, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh thông tin, tổng các khoản nợ xấu được xử lý tháng 11/2017 ước tính đạt 93.700 tỷ đồng, phần lớn do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho hay, số nợ xấu thu được qua khách hàng trả nợ được cải thiện so với cùng kỳ năm trước, ước tính 11 tháng 2017 đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng; tổng nợ xấu bán cho các tổ chức, cá nhân gần 31.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đạt gần 30.000 tỷ đồng; tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro đạt xấp xỉ 23.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là gần 2.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ 2016.
Tính đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được gần 40.000 tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chủ yếu từ nguồn khách hàng trả nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng của TCTD (chiếm trên 80%). Thực tế cho thấy, các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank… đã tập trung tự xử lý nợ xấu rất quyết liệt…
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng NHNN vẫn đặt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng được mua lại… Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường, đảm bảo khách quan, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật
“Năm 2018, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cần được thực hiện nhanh và quyết liệt hơn nữa”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Cả hệ thống phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng cán bộ, đến tâm lý, đạo đức để có biện pháp quản lý, hạn chế tối đa những sai phạm, bởi những bài học sai phạm vừa qua là hết sức đau đớn…”.