Chính sách tiền tệ đang phát huy hiệu quả tích cực |
Theo ông Mitsuhiro Fukusawa, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Cải cách ngân hàng đang có những tiến bộ đáng kể và IMF nhận thấy quyết tâm của NHNN trong việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 9/2017, GDP tăng 6,41% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó công nghiệp tăng 7,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19,8%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,79% và lạm phát cơ bản tăng 1,45%.
Diễn biến các chỉ tiêu tiền tệ 9 tháng đầu năm phù hợp với kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của NHNN, đến ngày 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp, đảm bảo kiểm soát lạm phát CPI theo mục tiêu trong bối cảnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý được điều chỉnh.
Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công TPCP với kỳ hạn dài và lãi suất thấp.
Mặt bằng lãi suất trên thị trường từ đầu năm đến nay diễn biến tương đối ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong một số thời điểm. Từ ngày 10/7/2017, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN.
Theo đó, các TCTD đã đồng loạt giảm lãi suất theo chủ trương này, đồng thời tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm; giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó); triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm; đối với sản xuất kinh doanh thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định cũng là một trong những thành công nổi bật của điều hành CSTT. Cơ chế “tỷ giá trung tâm” tiếp tục phát huy được hiệu quả, đặc biệt là đã thể hiện được khả năng hấp thụ tốt những biến động bên ngoài. Mặc dù có sự biến động không nhỏ trên thị trường thế giới, song tỷ giá và thị trường ngoại tệ vẫn cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng với chất lượng tín dụng được chú trọng thông qua việc NHNN “nắn” dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực SXKD, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, diều hành với các cơ chế, chính sách, các công cụ tiền tệ được sử dụng một cách linh hoạt đã mang lại thành công trong điều hành CSTT từ đầu năm đến nay. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành ngân hàng có thể thực hiện được “sứ mệnh” của mình trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô theo các mục tiêu đề ra trong năm 2017 của Chính phủ.