Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng ồ ạt tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu
Vân Linh - 18/03/2022 09:03
Nhiều ngân hàng đã chốt kế hoạch họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Nội dung họp chủ đạo trong năm nay là vấn đề tăng vốn, thu hút thêm nguồn vốn ngoại.
Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại.

Chia cổ tức cao

Với Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay để hạ thêm lãi suất cho vay.

Thực tế, các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, tăng tín dụng. SHB, ACB, Vietcombank, Sacombank, VIB là những đơn vị đã thông báo việc này sớm nhất.

Phần lớn các nhà băng này đều sẽ họp cổ đông trong tháng 4. HĐQT Ngân hàng ACB sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trong kỳ đại hội sắp tới. Ngân hàng này dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu. Khi hoàn thành thực hiện, vốn điều lệ sẽ nâng lên hơn 33.700 tỷ đồng.

Ngân hàng MSB cũng trình đại hội đồng cổ đông qua việc chia cổ tức với tỷ lệ 30% cho năm 2021.

VIB dự kiến trả cổ tức, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 35%, đồng thời, phát hành 0,7% vốn cho cán bộ - công nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, nhà băng này sẽ nâng vốn điều lệ lên 21.000 tỷ đồng.

Năm 2022, OCB dự kiến duy trì mức cổ tức 20 - 25% cho cổ đông. Mục tiêu này đang được HĐQT cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.

SHB tiếp tục có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15% và sẽ trình cổ đông trong đại hội tới.

Sau khi phân phối xong 143 triệu cổ phiếu NAB trong đợt phát hành riêng lẻ vừa qua, thu về 2.860 tỷ đồng, vốn điều lệ của Nam A Bank tăng lên gần 6.600 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Nam A Bank, trong năm nay, Ngân hàng tiếp tục triển khai tăng vốn.

Với ngân hàng quốc doanh, trong lần họp sắp tới, Vietcombank sẽ trình phương tăng vốn điều lệ năm 2022. Đầu năm nay, ngân hàng này đã hoàn thành phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Sau phát hành, vốn điều lệ nâng lên hơn 47.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, BIDV vừa hoàn thành trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng. BIDV có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, nhưng chưa thực hiện.

Ẩn số cổ đông chiến lược

VPBank kỳ vọng hoàn tất giao dịch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2022. Sau thương vụ bán vốn FE Credit, ngân hàng này sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh nhờ có nguồn vốn dồi dào. VPBank vừa chính thức điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của VPBank cũng được thị trường quan tâm, với kỳ vọng tạo động lực mới cho giá cổ phiếu VPB. Đối tác ngoại đang được đồn đoán là SMBC khi SMBC vừa đồng ý chấm dứt hợp tác chiến lược với Eximbank. SMBC cũng chính là đối tác đã mua lại 49% vốn FE Credit với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD.

Ngoài ra, OCB sẽ bán thêm 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; Viet Capital Bank bán 5% cổ phần cho cổ đông ngoại; Nam A Bank dự kiến bán 15-20% vốn cho nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, ABBank dự kiến chuyển niêm yết sàn HoSE...

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tăng tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn để vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại, vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn tới.

Những câu chuyện “riêng” của ngân hàng trước thềm đại hội năm nay có thể phần nào tác động lên cổ phiếu “vua”. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, năm 2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, NIM (biên lãi ròng) cải thiện lên 4,12%. Tuy nhiên, mức độ phân hóa rõ rệt hơn, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital nhận định, trong năm 2022, các lĩnh vực hưởng lợi và có triển vọng cao trên thị trường chứng khoán là cổ phiếu ngành ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%).

Trong đó, đối với nhóm ngành ngân hàng, theo ông Michael, lợi nhuận có thể sẽ tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn.

Nhìn chung, mức tăng trưởng tín dụng trung bình của ngành ngân hàng có thể đạt 14% trong năm nay. Một số yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu ngân hàng, như giao dịch bancassurance độc quyền với các công ty bảo hiểm nước ngoài, tài trợ quay vòng, tái cơ cấu nợ…

Tin liên quan
Tin khác