Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng ôm tài sản khóc ròng vì quyền chủ nợ
Thùy Liên - 07/12/2016 08:01
Hơn 90% nợ xấu hiện nay có tài sản đảm bảo. Xử lý tài sản đảm bảo được các ngân hàng đánh giá là giải pháp tuyệt vời nhất để thu nợ. Thế nhưng, hàng loạt vướng mắc pháp lý cùng với nhận thức có phần sai lệch của dư luận và chính quyền nhiều địa phương về hoạt động xử lý tài sản đảm bảo khiến nhiều ngân hàng khóc ròng vì nợ xấu, còn hàng trăm tài sản đảm bảo vẫn dầm sương nằm chết.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Phát biểu tại Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm” mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất tích cực xử lý nợ xấu.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu được xử lý năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 186,89 nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý, hơn một nửa số nợ xấu (55,4%) là do các TCTD tự xử lý, số còn lại là bán nợ cho VAMC và DATC.

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, 90% nợ xấu hiện nay có tài sản đảm bảo (TSĐB). Xử lý TSBĐ để thu hồi nợ là giải pháp thu hồi nợ triệt để nhất, nhanh nhật. Tuy nhiên, biện pháp này thực hiện thời gian qua rất chậm, mới đạt gần 14.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phân tích, thực tiễn xử lý TSBĐ của hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy có rất nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nhận bảo đảm. 

Tại Hội thảo ngày 6/12, các ngân hàng thi nhau "kể khổ" về việc xử lý tài sản đảm bảo.  Đại diện ngân hàng VPBank cho hay, công tác tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD hầu như không tự thực hiện được trên thực tế, bởi có xung đột pháp luật do quyền thu giữ này chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, trong khi đó lại vướng phải nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Luật, Nghị định khác…

Nhiều lãnh đạo ngân hàng khác cũng cho rằng, quyền chủ nợ của các ngân hàng đang bị xâm phạm, bởi khi đi đòi nợ luôn bị con nợ chống đối, nhưng ngân hàng lại không được bảo vệ.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất kinh tế của quyền xử lý TSBĐ của TCTD là quyền đối với TSBĐ nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Nhưng khi ngân hàng muốn xử lý TSĐB thì người vay không hợp tác, thậm chí đối đầu.

Lãnh đạo ngân hàng Techcombank còn tỏ ra lo ngại hơn về việc xử lý TSĐB thời gian tới, bởi Bộ Luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) chưa có quy định cụ thể về việc thu giữ TSBĐ. Như vậy, nếu các cơ quan liên quan khi soạn thảo Nghị định hướng dẫn không bổ sung nội dung này vào thì hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng, vốn trông chờ vào xử lý TSĐB, có nguy cơ bị mắc kẹt.

Nhìn nhận ở khía cạnh pháp lật, Luật sư Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, “Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD” là một loại quyền dân sự. Do đó, các TCTD được phép thực hiện quyền xử lý TSBĐ theo ý chí của mình với điều kiện tiên quyết là không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được lạm dụng quyền gây thiệt hại cho người khác, không vượt quá giới hạn việc thực hiện quyền đó… 

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia kiến nghị, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi. Đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ. Đồng thời, cũng kiến nghị, Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Toà án Nhân dân Tối cao trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý TSBĐ.

Tin liên quan
Tin khác