Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm nhẹ xuống còn 0,85%.
Việc xử lý nợ xấu ngân hàng gặp khó do bí đầu ra. Ảnh: Đức Thanh |
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tổng nợ xấu đến ngày 30/9/2016 là 2.706 tỷ đồng, chiếm 3,35% tổng dư nợ; trong khi cuối 2015 chỉ là 1.575,5 tỷ đồng, chiếm 1,86% tổng dư nợ.
Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết, do nợ xấu còn cao, nên 9 tháng đầu năm 2016, Eximbank tiếp tục gia tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, với 923,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 498,49 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 202 tỷ đồng, giảm 70%. Lợi nhuận sau thuế âm 43 tỷ đồng, dù đã cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Tùng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của Eximbank dự kiến đạt 400 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó đề ra là 720 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu năm 2016 đạt tổng tài sản 134.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2015. Chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 9,7% và 4%, đạt mức 108.000 tỷ đồng và 100.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2016 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 1,73% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (1,84%). Tuy nhiên, số nợ nghi ngờ tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên 1.745 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), theo số liệu công bố tại đại hội đồng cổ đông bất thường, trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu là 13.217 tỷ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là gần 7.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro... Tuy nhiên, kết quả, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ, bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác (chiếm 42,8%). Tổng số nợ mà VAMC đã gom về từ các ngân hàng lên tới trên 250.000 tỷ đồng, nhưng mới xử lý được khoảng 15%.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội (TP.HCM) cho rằng, với việc chuyển nợ từ ngân hàng sang VAMC để tạm thời quản lý, nên nói nợ xấu hệ thống ngân hàng giảm là đúng, nhưng nợ xấu của nền kinh tế chưa giảm, vì nằm ở VAMC. Trong khi đó, nợ xấu tuy đã được kéo giảm xuống dưới 3%, song nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại tăng, do quá trình xử lý nợ khó đẩy nhanh và nợ xấu vẫn bí đầu ra. Đây tiếp tục là những thách thức, áp lực mà các ngân hàng phải đối mặt khi giải quyết vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả. Vì vậy, theo ông Ngân, hiện phải tính đến việc xử lý khoản nợ xấu mà VAMC đang tạm giữ hộ ngân hàng.
“Ngân hàng đã trích dự phòng, nhưng họ trích bao nhiêu cần báo cáo rõ để xem mỗi năm trích 20% dự phòng cho nợ xấu ở VAMC thì các ngân hàng có trích nổi hay không, từ đó mới nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.
Chính vậy, theo các chuyên gia tài chính, dù với hướng đi nào, thì việc xử lý nợ xấu cũng phải được giải quyết từ những điểm nghẽn về chính sách để hướng tới một thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) nhận định, sau hơn 4 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bài toán xử lý nợ xấu một cách thực chất vẫn chưa có lời giải thoả đáng. Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu gom về VAMC từ các ngân hàng thương mại trong 3 năm nay vẫn chưa tìm được đầu ra. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư muốn tham gia mua nợ xấu cũng không được, vì chưa có thị trường mua bán nợ.