Chẳng hạn tại SCB, sau khi bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong tháng 10 và 11/2013 để đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% như mục tiêu ngân hàng kỳ vọng, nhà băng này đang quyết liệt xử lý nợ xấu dưới sự chỉ đạo của VAMC.
| ||
Sau khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng vẫn đang phải tăng tốc xử lý nợ xấu trước khi áp chuẩn mới |
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB cho biết, bán nợ xấu cho VAMC sẽ giúp Ngân hàng đưa được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản.
Tuy nhiên, việc tiếp theo là Ngân hàng phải bắt tay vào xử lý nợ xấu. VAMC ủy thác cho SCB xử lý tiếp các khoản nợ xấu, như các khoản gia hạn, bán nợ, bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn…
Tương tự, một số nhà băng khác đã bán nợ xấu cho VAMC cũng đang trong quá trình đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo Southern Bank cho biết, sau khi bán trên 200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC cuối tháng 10/2013, Ngân hàng đang cùng VAMC tiến hành tái cơ cấu và xử lý các khoản nợ. Mục tiêu của Southern Bank năm nay kiểm soát nợ xấu dưới 5%.
Với SHB, ngân hàng này đã bán trên 400 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong tháng 10 và tiếp tục bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu trong tháng 11. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, việc bán nợ xấu tạo điều kiện thuận lợi cho SHB xử lý nợ, dự kiến đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, SHB vẫn chịu trách nhiệm cùng VAMC phân loại nợ, phân loại khách hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp. Theo đó, nếu các khách hàng có phương án sản xuất - kinh doanh tốt sẽ được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và cho vay nợ tiếp.
Việc đẩy mạnh bán nợ xấu của các ngân hàng hiện nay được cho là không ngoài mục đích chạy đua “dọn” nợ xấu trước khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử rủi ro trong hoạt động ngân hàng dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Vì thế, không chỉ các nhà băng nhỏ, mà cả các ngân hàng lớn cũng hối hải bán nợ cho VAMC.
Cụ thể, Vietcombank đã bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu. BIDV cũng vừa bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Với Agribank, ngoài 1.700 tỷ đồng nợ xấu đã được bán cho VAMC, nhà băng này dự kiến sẽ bán tổng cộng khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu đến cuối năm 2013.
Lãnh đạo của VAMC còn cho biết, hiện có hơn 20 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đề nghị được bán nợ xấu cho công ty này, với tổng giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải món nợ xấu nào cũng được VAMC sẵn sàng mua, mà luôn phải chọn lọc.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB cho biết, trong quá trình tìm hiểu để mua, VAMC làm việc rất kỹ lưỡng và yếu tố quan trọng là các khoản nợ xấu của ngân hàng phải có tài sản đảm bảo tốt mới dễ dàng được VAMC chấp nhận mua.
Cũng theo ông Văn, nếu giải quyết được nợ xấu trước khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN áp dụng sẽ có nhiều thuận lợi, vì ngân hàng đã “quét” được nợ xấu trước khi áp dụng các chuẩn mực mới, với yêu cầu rất cao về chất lượng tín dụng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2013, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 30% tổng nợ xấu, tương đương 100.000 tỷ đồng, dự kiến, nợ xấu toàn hệ thống có thể về mức 3 - 3,5% vào cuối năm 2014.
Thùy Vinh