Tín dụng vào bất động sản, chứng khoán... tiếp tục được siết chặt trong những tháng cuối năm |
Giám sát chặt chẽ tín dụng phi sản xuất
Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018.
Chỉ thị nêu rõ, cần kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng room tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt (chẳng hạn một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.
Theo số liệu NHNN đưa ra trước đó, tính đến đầu tháng 6/2018, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng 2,19% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này tuy phù hợp với định hướng của NHNN là kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhưng để kiểm soát tốt hơn rủi ro trong cho vay lĩnh vực nhạy cảm này, cũng như tín dụng bất động sản “núp bóng” tín dụng tiêu dùng khi dư nợ cho vay tiêu dùng tăng cao, NHNN đã siết chặt hơn tín dụng lĩnh vực phi sản xuất.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, tuy tín dụng 2 quý đầu năm chỉ mới sử dụng phân nửa chỉ tiêu cả năm của ngành đưa ra, nhưng trong đó có tới 50% vào bất động sản. Do đó, việc cảnh báo rủi ro cho vay bất động sản là cần thiết.
"Để hạn chế vốn tiêu dùng vào bất động sản, NHNN đang có đề án giám sát dòng vốn từ tiêu dùng vào bất động sản. Đồng thời, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm từ 50% vào đầu năm 2018 xuống 40% vào đầu năm 2019 theo quy định của Thông tư 19/2017 có hiệu lực từ tháng 2/2018.
Cùng với đó, hệ số rủi ro cho vay bất động sản cũng được nâng từ 150% lên 200% vào đầu năm 2018 và sang đầu năm 2019 tiếp tục nâng lên 250%. Điều này cho thấy, Chính phủ quyết tâm siết tín dụng vào bất động sản, giám sát nghiêm ngặt cho vay tiêu dùng, cũng như cho vay chứng khoán", ông Thành nói.
Dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn
Theo số liệu từ NHNN, ước tính đến cuối tháng 7/2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt hơn 7%, trong khi cùng kỳ năm 2017 là 9%. Với đà này, dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng cuối năm là không nhỏ.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, trong năm 2018, do lạm phát được kiểm soát và vốn vào bất động sản bị hạn chế, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra (17-18%) khoảng 1-2%. Vì vậy, thay vì áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, NHNN nên phân bổ tùy theo năng lực của mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu NHNN, không phải đến lúc này mới đặt ra yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ. Ngay từ đầu năm 2018, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng TCTD, NHNN đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp. Thế nhưng, hệ thống các TCTD có vai trò chính là phục vụ các nhu cầu vốn ngắn hạn, cho vay vốn lưu động, về nguồn vốn trung - dài hạn, cần phát triển bền vững TTCK để các doanh nghiệp chủ động hơn trong tiếp cận và huy động vốn.
"Để có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thuận lợi, mỗi TCTD cần nâng cao hơn nữa năng lực tài chính. Ngoài ra, bên cạnh chỉ tiêu được giao, TCTD nào muốn cho vay nhiều hơn thì TCTD đó phải xử lý được nhiều nợ xấu hơn để tạo nguồn cho đầu ra, cũng như tự tạo dư địa cho mình", Thống đốc Lê Minh Hưng nêu quan điểm.
Hiện tại, tuy chưa có dấu hiệu “bong bóng” bất động sản, nhưng để hạn chế rủi ro nợ xấu, NHNN đã có có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, đồng thời cân đối nguồn vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản...