Nhiều ngân hàng chốt lịch đại hội cổ đông
ABBank (Mã: ABB) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 là ngày 8/3/2024. ĐHĐCĐ của ABBank dự kiến được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 5/4/2024 tại Hội trường Tầng 4, Tòa nhà GELEXIMCO, số 36 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của ABBank dự kiến thảo luận các vấn đề như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023, kế hoạch năm 2024, định hướng hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát, các vấn đề về thù lao, tờ trình về trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận, thông qua đơn xin thôi việc của thành viên Ban Kiểm soát và bầu thay thế thành viên Ban Kiểm soát cũng như các nội dung khác.
Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2023, ABBank ghi nhận khoản lỗ sau thuế 110 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2022, ngân hàng cũng chịu lỗ 40,3 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 584 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2022, mới thực hiện được 20,6% kế hoạch năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 162.100 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 98.100 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Gần như toàn bộ tăng trưởng cho vay của ABBank đều tập trung vào quý cuối cùng của năm.
Số dư nợ xấu của ngân hàng đạt 2.857 tỷ đồng, tăng 20,8% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,91%. Cả năm 2023, ABBank đã trích 1.489 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần hai lần so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngân hàng sớm chốt lịch đại hội cổ đông thường niên 2024. |
ACB cũng vừa công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào thứ Năm, ngày 4/4/2024. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ là ngày 1/3/2024. Trên website của ACB hiện vẫn chưa đăng tải thông tin về nội dung hay các tờ trình cần thông qua trong cuộc họp.
Năm 2023, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở ĐHĐCĐ thông qua, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng trước thuế, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành. Lợi nhuận năm 2023 của ACB xếp thứ 7 toàn ngành.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 719.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000, tăng 17,9%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Quy mô huy động đến cuối năm 2023 của ACB đạt gần 483.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ, với tỷ lệ ở mức 22%, đứng TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.
MBBank cũng có kế hoạch sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 19/4. Cụ thể, MBBank chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ 2024 vào ngày 18/1/2024. Cũng trong ngày 18/1, nhà băng này đã chốt cổ đông có quyền đề cử tham gia HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Ở thời điểm hiện tại, các cổ đông lớn của MBBank bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm giữ 641 triệu cổ phiếu MBB chiếm (14,14% vốn điều lệ), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC nắm giữ 427 triệu cổ phiếu (chiếm 9,42% vốn điều lệ), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nắm giữ 371 triệu cổ phiếu (chiếm 8,2% vốn điều lệ) và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 327 triệu cổ phiếu (chiếm 7,2% vốn điều lệ).
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất MB đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022. Trong đó, riêng ngân hàng lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so năm 2022, cho thấy đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của MB. Khả năng sinh lời ở mức cao, ROA và ROE lần lượt là ~2,5% và ~25%.
Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 gần 1,4%, tăng khoảng 0,2% so với thời điểm 30/6/2023, tương ứng với xu hướng của ngành ngân hàng năm 2023 (tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng đến quý III/2023 gần 2,25%). Đáng chú ý, MB duy trì tỷ lệ CASA năm 2023 đạt gần 40,1%. Tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỷ đồng, tăng 27,3% so với đầu năm. Số dư CASA năm 2023 cũng tăng trưởng gần 27% so với năm 2022.
HĐQT LPBank (mã cổ phiếu LPB - sàn HoSE) cũng vừa phê duyệt kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ năm nay vào tháng 4/2024. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông, nhóm cổ đông đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ IV và tham dự họp Đại hội là ngày 15/2 tới đây. Các thông tin chi tiết về việc họp Đại hội hiện chưa được LPBank công bố.
Xét về tình hình kinh doanh, năm 2023, LPBank ghi nhận kết quả kinh doanh sơ bộ với lợi nhuận trước thuế 7.040 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 và hoàn thành 117% kế hoạch đã đề ra. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 9.865 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng này ước đạt 19,16%. Đáng chú ý, tính riêng quý IV/2023, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.352 tỷ đồng, tăng đột biến 286% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của LPBank đạt 382.863 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17%, đạt 275.430 tỷ đồng; và tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt 237.391 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, đại diện LPBank cho biết, trong quý 4/2023, ngân hàng đã quyết liệt xử lý nợ xấu và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
VIB vừa có thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ năm 2024 vào ngày 26/2/2024. Như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 23/2/2024. ĐHĐCĐ của VIB dự kiến tổ chức vào tháng 3/2024 tại TP.HCM. Hiện ngân hàng này chưa công bố thêm các thông tin liên quan đến Đại hội.
Chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu
Vừa qua, Ngân hàng VIB quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%; qua đó, trở thành ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 22/2/2024.
Các ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. |
Trong tài liệu xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức, VIB cho biết, theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của ngân hàng có thể đạt 8.640 tỷ đồng. Với mức thuế suất 20% áp dụng cho các tổ chức tín dụng, ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 có thể đạt 10.800 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, VIB theo đuổi chiến lược tập trung tận dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng (với lãi suất thấp) với một phần nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính nước ngoài có lãi suất thấp hơn so với mức huy động trong nước. Chiến lược này cho phép VIB tiết giảm chi phí vốn tối đa. Ngoài ra, với việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ có lợi suất cao, giúp cho VIB đạt được mức NIM và ROE cao hàng đầu hệ thống ngân hàng hiện nay.
VNDirect nhận định, chiến lược mới trong cho vay kinh doanh thương mại điện tử sẽ giúp duy trì ROE của VIB ở mức cao nhất trong ngành. Mặc dù P/B hiện tại là 1,35 lần, cao hơn P/B trung bình hiện tại ngành là 1,2 lần, nhưng tổ chức này cho rằng, VIB xứng đáng với mức P/B trung bình 5 năm của ngành là 1,55 lần.
Ngày 23/2 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng của PG Bank (Mã: PGB). Theo đó, PG Bank sẽ phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:4, tức sở hữu cứ 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.
Nguồn vốn thực hiện việc chia cổ phiếu thưởng được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế (1.100 tỷ đồng) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (100 tỷ đồng) theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.
Nếu thành công, vốn điều lệ của PG Bank sẽ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận việc PG Bank tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phần nguồn vốn chủ sở hữu. Đây là lần đầu tiên PG Bank tăng vốn sau gần 13 năm và cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức/cổ phiếu thưởng sau gần 12 năm.
Trong năm 2011, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới trả cổ tức và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Còn lần gần nhất ngân hàng này chia cổ tức là trong năm 2012 với tỷ lệ 10,38% bằng tiền mặt.
Được biết, Nhà nước đã yêu cầu cổ đông lớn của PG Bank là Petrolimex phải thoái vốn tại PG Bank từ nhiều năm trước. Do đó, Petrolimex không thể góp thêm vốn vào ngân hàng này thông qua hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, PG Bank cũng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức bằng tiền mặt do vẫn còn các khoản nợ tại VAMC. Chính vì vậy, hoạt động chia cổ tức của PG Bank liên tục bị đình trệ trong hơn 1 thập niên năm qua.
Đến ngày 7/4/2023, Petrolimex đã thoái toàn bộ vốn tại PG Bank khi bán thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần PG Bank, thông qua đấu giá công khai Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Danh sách nhà đầu tư trúng đấu giá gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Ba tổ chức này nắm lượng cổ phần PG Bank gần như ngang bằng nhau, trên dưới 13%, và tổng số xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu, bằng lượng Petrolimex đem đấu giá.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu thưởng nêu trên, PG Bank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lên phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm. Mức giá phát hành thêm chưa được ngân hàng công bố. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào tháng 10, ngân hàng dự kiến mức giá này sẽ không thấp hơn mệnh giá.
Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng đã tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý IV/2023 và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Trước đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng nhiều lần được cổ đông nhà băng này chất vấn HĐQT tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ của Techcombank suốt 10 năm qua. Gần nhất, tại kỳ đại hội hồi tháng 4/2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank từng cho biết, có thể sẽ có thay đổi và năm 2023 là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, lãnh đạo cấp cao VPBank cũng cho biết, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông. Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được VPBank thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm qua, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng...
Ngoài VIB, VPBank, còn có 3 ngân hàng khác thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 gồm: ACB, HDBank, MB... Đối với cổ đông, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng là niềm vui trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” khó tăng trong bối cảnh chung của thị trường, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư bấy lâu nay đã mang được về "tiền tươi thóc thật". Tuy vậy, các ngân hàng cũng được khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, giúp làm dày bộ đệm vốn của ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính trước những rủi ro trong tương lai.