Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng thận trọng với cầu tín dụng cuối năm
Vân Linh - 17/12/2016 14:16
Tuy chuẩn bị tốt thanh khoản cho mùa kinh doanh vốn cuối năm, song do đã sử dụng hết hạn mức tín dụng, một số ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay. Mặt khác, trước xu hướng nợ xấu chưa dừng lại, các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng trong cấp vốn.
Đến cuối tháng 11, dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 15% so với đầu năm

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, cầu vốn của khách hàng (cả cá nhân và doanh nghiệp) đều tăng trưởng mạnh trong quý IV, nhất là tháng 12 này, do nhu cầu dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Âm lịch cũng như thanh toán hàng nhập khẩu cao. Thế nhưng, ngân hàng ông đã hết hạn mức tín dụng nên không thể đẩy mạnh cho vay.

“Vẫn biết đây là cơ hội để tăng trưởng tín dụng, nhưng không xin thêm được room tín dụng nên chúng tôi chỉ còn cách thu hồi nợ cũ rồi mới dám cho vay mới”, vị tổng giám đốc trên nói và cho rằng, mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng ông đặt ra cho năm nay ở mức hơn 20%, song trong 11 tháng đã vượt ngưỡng này.

Thực tế cho thấy, dư địa để tăng trưởng tín dụng ở các nhà băng lớn rất “chật chội”, các ngân hàng nhỏ càng khó hơn do đã sớm cạn “room”. Bởi xét con số tuyệt đối thì tăng trưởng tín dụng ở các nhà băng nhỏ chỉ bằng hoặc cao hơn so với một chi nhánh của ngân hàng lớn. Chẳng hạn, tại OCB, tính đến cuối tháng 11/2016, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 61.216 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng 30% so với đầu năm. Trong khi đó, hạn mức tín dụng cả năm của Ngân hàng là 25%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã đạt 21%.

Trưởng văn phòng đại diện Vietcombank tại khu vực phía Nam, ông Huỳnh Song Hào cũng cho hay, không chỉ nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng trong dịp cuối năm nay, mà ngay cả khối cá nhân cũng tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân, theo ông Hào, một phần là do phân khúc tín dụng mua nhà ấm dần lên từ đầu năm. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần thời gian qua và ổn định là điều kiện tích cực để đẩy mạnh hoạt động cho vay.

Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 22/11/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Tín dụng tăng từ đầu năm và đến ngày 28/11/2016, tín dụng tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%.

So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 18 - 20% thì “room” còn lại cho hơn 1 tháng cuối năm 2016 còn khoảng 3 - 5%.

Thế nhưng, do nhu cầu vốn trong tháng 12 được các nhà băng cho biết gia tăng vì đây là mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của ngân hàng. Vả lại, do tín dụng đã cải thiện tích cực trong 2 quý giữa năm nay nên không ít nhà băng đã cạn “room”, không còn dư địa để cho vay ra.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng trưởng khá tích cực trong 11 tháng đầu năm, với mức tăng 16,4%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% năm nay của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố là khả thi, vì thường quý cuối năm tín dụng tăng cao hơn so với các quý trong năm.

Đáng chú ý là trong năm nay, cầu về tín dụng mua nhà của khách hàng tăng mạnh, dư nợ tín dụng tiêu dùng của khối khách hàng cá nhân, tỷ lệ cho vay mua nhà chiếm đến 40% tổng dư nợ cho vay cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng trong tháng cuối năm đòi hỏi ngân hàng phải kiểm soát chặt chất lương dư nợ tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay là phù hợp và khả thi.

“Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là một trong những rào cản lớn đối với tín dụng. Các ngân hàng không thể ồ ạt đẩy mạnh cho vay mà hơn hết là kiểm soát chặt chất lượng”, TS. Lực nói.

Tin liên quan
Tin khác