Dự án nhằm tăng cường sự lành mạnh và khả năng chống chịu của ngành ngân hàng thông qua việc nâng cao năng lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc giải quyết các hạn chế về mặt cấu trúc trong hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các cải cách đã được đặt ra trong Kế hoạch Tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng 2025.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Là lĩnh vực lớn nhất của hệ thống tài chính của Việt Nam, ngành ngân hàng lành mạnh có tính chất quyết định đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia. Qua việc chia sẻ những kinh nghiệm phát triển ngành ngân hàng tốt nhất, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu đã cam kết.”.
Thách thức của ngành ngân hàng bao gồm các vấn đề về chất lượng tài sản, mức độ vốn hóa còn yếu và những khó khăn về khuôn khổ pháp lý gây cản trở đầu tư thêm vào ngành. Hơn nữa, các ngân hàng Việt Nam có mức chi phí hoạt động cao hơn và phải dự phòng nhiều hơn cho các khoản nợ xấu.
Ngành ngân hàng đang được cải tổ theo định hướng thị trường, dựa trên nền tảng các tiêu chuẩn quốc tế, và cơ chế giám sát ổn định tài chính mạnh mẽ hơn.
Ngân hàng Thế giới sẽ hợp tác cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường khuôn khổ pháp lý cho ngành ngân hàng, đặc biệt là Luật các Tổ chức tín dụng và thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
Dự án cũng giúp NHNN dự đoán và chống chịu các cú sốc tốt hơn, nâng cao năng lực giám sát phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ tốt trên thế giới, hỗ trợ phát triển thị trường nợ và nâng cao năng lực cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam để có thể quản lý tốt các tài sản của các khoản nợ xấu.
Khoản tài trợ không hoàn lại này thuộc chương trình 8 triệu USD “Tăng cường Sự lành mạnh và Phát triển của ngành Ngân hàng” do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và Ngân hàng Thế giới quản lý.