- Top 6 ngân hàng lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sắp đổi ngôi thứ hạng
- Nợ xấu nhóm công ty tài chính tăng vọt lên 9%, thừa tiền không thể đầu tư
- Thuế giá trị gia tăng với nghiệp vụ L/C: Ngân hàng tiếp tục mắc kẹt vì hai bộ đùn đẩy
- Cho vay gấp 3 lần Techcombank, vì sao lãi thuần của Vietcombank chỉ cao gấp 1,6 lần?
Công ty tài chính nợ xấu tăng mạnh, thừa tiền không thể đầu tư
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Covid-19 đã tác động nặng nề tới kết quả hoạt động của nhóm công ty tài chính 6 tháng đầu năm nay: Tín dụng 9 tháng không tăng trong khi nợ xấu bình quân tăng từ 6% cuối năm ngoái lên 9-10%.
Mặc dù ế vốn do không thể tăng trưởng tín dụng, song các công ty tài chính không thể sử dụng vốn dư thừa để đầu tư giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước không cấp phép, khiến hiệu quả hoạt động suy giảm.
Bên cạnh đó, nhiều công ty tài chính cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn trong lập kế hoạch kinh doanh của cả năm do room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn chế, thời gian lại quá gấp gáp. Việc chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa đầy đủ.
Ngoài ra, các công ty tài chính cũng đang rất lúng túng vì các vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp lý như Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN
BOT đầm đìa nợ xấu, cách nào để ngân hàng tiếp tục bơm tiền?
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay các dự án BOT đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề rủi ro trong cho vay các dự án bot giao thông khá lớn. Nguyên nhân là các tổ chức tín dụng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các dự án BOT giao thông chủ yếu có thời gian thu hồi vốn dài hạn chủ yếu từ 10-20 năm, có những dự án trên 20 năm. Chưa kể, năng lực nhà đầu tư tham gia đầu tư còn hạn chế, chưa có khả năng hỗ trợ dự án trong trường hợp có biến động trái chiều.
Chính vì vậy, chất lượng tín dụng BOT bị suy giảm. Đến quý II/2021, tỷ lệ nợ xấu đối với BOT giao thông tăng gấp 4 lần so với tỷ lệ nợ xấu chung của nền kinh tế. Hiện nay, có khoảng 50% số lượng các dự án do các tổ chức tín dụng tài trợ vốn có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu, khả năng mà phát sinh nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Để giải bài toán vốn cấp bách cho đầu tư hạ tầng, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho rằng, phải huy động các nguồn từ xã hội, phải đa dạng hoá, huy động tư nhân thông qua phương thức PPP. Trong đó, đầu tư vốn nhà nước là “vốn mồi” để câu con cá to, nhưng để thu hút được vốn lớn, dự án phải hấp dẫn.
NHNN vừa có văn bản phúc đáp Công văn của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thư tín dụng (L/C). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước từ chối đề nghị phân loại các khoản phí thu từ dịch vụ L/C của Bộ Tài chính. Lý do mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay không có quy định về việc xác định cụ thể loại phí nào thu từ dịch vụ L/C là phí cấp tín dụng, loại phí nào là phí thanh toán qua tài khoản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về công văn của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) tỏ ra bức xúc , cho rằng Ngân hàng Nhà nước “thiếu hợp tác” để tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng, doanh nghiệp.
Tranh cãi về thuế VAT với nghiệp vụ L/C nổ ra từ năm 2020, do Bộ Tài chính coi L/C là "dịch vụ thanh toán" - nằm trong đối tượng chịu thuế còn ngành ngân hàng khẳng định L/C là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa dịch vụ thanh toán lại vừa là tín dụng (không nằm trong đối tượng chịu thuế). Việc hai bộ chưa tìm được tiếng nói chung khiến vướng mắc của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp liên quan đến việc nộp thuế VAT với nghiệp vụ L/C tiếp tục gặp nhiều vướng mắc, nhất là khi ngành thuế bắt buộc các ngân hàng, doanh nghiệp nộp thuế này từ thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (tức truy nộp 10 năm).
Ngân hàng lỗ ảo, lãi thật từ kinh doanh ngoại hối
Báo cáo tài chính quý III/2021 của hàng loạt ngân hàng cho thấy, rất nhiều ngân hàng lỗ từ mảng kinh doanh ngoại hối. Tuy vậy, thực tế, mảng ngoại hối vẫn đang giúp các ngân hàng mang về nguồn lợi lớn.
Tỷ giá USD/VND đi xuống trong quý III/2021 được coi là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng thua lỗ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho hay, tỷ giá ngày càng bình ổn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước khiến hoạt động tự doanh ngoại tệ của các ngân hàng giảm mạnh.
Mặc dù vậy, phân tích của ông Trung và các chuyên gia, nguồn vốn ngoại hối thực chất vẫn mang lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng. Cụ thể, với nguồn ngoại tệ thu về, ngân hàng sử dụng nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ Fx Swap để chuyển ngoại tệ sang tiền đồng và cho vay. Chính vì vậy, dù ngân hàng có thể lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, song ngân hàng vẫn lãi ròng từ nguồn ngoại hối mang lại.
Hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021, phân rõ thứ hạng
Tuần qua, hàng loạt ngân hàng TMCP lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank… tiếp tục công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Như vậy, trừ một số ngân hàng nhỏ, còn lại hầu hết các ngân hàng niêm yết đều đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm cũng dần rõ nét.
Theo đó, có 6 ngân hàng công bố đạt mức lãi trước thuế trên 10.000 tỷ đồng là Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank, MB và BIDV. Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận với 19.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Xếp thứ hai là Techcombank với 17.098 tỷ đồng. VietinBank lọt vào top 3 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất với 13.911 tỷ đồng.
Vị trí tiếp theo trong top 4 chứng kiến sự bám đuổi sát nút của MB và VPBank với lợi nhuận lần lượt 11.885 tỷ đồng (MB) và 11.736 tỷ đồng (VPBank). Ngân hàng cuối cùng trong top 6 lợi nhuận là BIDV với lợi nhuận 10.733 tỷ đồng.
VPBank hoàn tất bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBC Group
Tuần qua, VPBank và SMBC đã chính thức hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn FE Credid. Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit.
Việc chính thức hoàn tất thủ tục chuyển nhượng giúp VPBank thu về nguồn lợi nhuận lớn, giúp ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác. Trong khi đó, khoản đầu tư của SMBCCF sẽ cho phép công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Nhật Bản này mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.
Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tính từ 15/7 đến 30/9/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.
Trước đó, dưới sự “hiệu triệu” của Ngân hàng Nhà nước và nhằm thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, giữa tháng 7/2201, 16 ngân hàng thương đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021, với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính đạt 20.613 tỷ đồng.
Mạnh tay chi giảm lãi hỗ trợ doanh nghiệp nhất là Agribank, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.885 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,27 triệu tỷ đồng cho trên 3,18 triệu khách hàng. Vietcombank đứng thứ hai với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.975 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỷ đồng cho 239.384 khách hàng. BIDV đứng thứ ba với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.901 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỷ đồng cho 365.429 khách hàng. VietinBank đứng vị trí tiếp theo với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.417 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỷ đồng cho 533.392 khách hàng.
Như vậy, chỉ riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm 10.178 tỷ đồng, chiếm 83% số lãi giảm của các ngân hàng trong toàn hệ thống.