Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng UOB Việt Nam mở rộng thị trường ra miền Bắc
Đ.T - 24/08/2019 18:49
Việc khai trương chi nhánh tại Hà Nội là một phần trong cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam của Ngân hàng UOB (Singapore).
Lễ khai trương chi nhánh tại Hà Nội của Ngân hàng UOB Việt Nam (ngày 22/8/2019).

Ngân hàng United Overseas Bank Limited Việt Nam (UOB Việt Nam) vừa chính thức khai trương Chi nhánh Hà Nội tại số 1 - đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Đây là chi nhánh đầu tiên nằm ngoài trụ sở chính tại TP.HCM.

Ngân hàng UOB Việt Nam là thành viên của Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) - ngân hàng hàng đầu ở châu Á, có trụ sở chính tại Singapore và mạng lưới toàn cầu với hơn 500 văn phòng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ.

Việc mở rộng diễn ra một năm sau sự kiện UOB thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thể hiện cam kết của Ngân hàng về cung cấp dịch vụ và giải pháp tài chính cho khách hàng trên toàn quốc.

Tham dự lễ khai trương có bà Catherine Wong, Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam và ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng UOB.

“Việc khai trương chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội đánh dấu cột mốc quan trọng trong cam kết lâu dài của Ngân hàng UOB tại Việt Nam. Chúng tôi là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM vào năm 1993 và xuyên suốt quá trình hoạt động, chúng tôi liên tục tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Chi nhánh UOB tại Hà Nội thể hiện niềm tin của chúng tôi đối với Việt Nam, vì chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội để phục vụ nhiều khách hàng hơn ở cả miền Bắc lẫn miền Nam. Qua đó, chúng tôi sẽ có thể kết nối khách hàng với những cơ hội tại đây, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt những cơ hội trong ASEAN và xa hơn nữa”, ông Wee Ee Cheong chia sẻ.

Đánh giá về UOB, bà Catherine Wong cho biết, UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập ngân hàng con tại Việt Nam và là ví dụ điển hình của một công ty Singapore thành công trong việc mở rộng và đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân hàng này đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam, kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các làn sóng đầu tư nước ngoài vào đất nước này.

“Trong bối cảnh cả Chính phủ Việt Nam và Singapore đều nỗ lực thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ và bền vững, Ngân hàng UOB đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy hợp tác kinh tế vĩ mô giữa hai quốc gia”, bà Catherine Wong chia sẻ.

Về phần mình, ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Hà Nội là cửa ngõ quan trọng để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh tại các tỉnh, thành phố phát triển mạnh ở miền Bắc Việt Nam. Chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội sẽ hỗ trợ trụ sở chính tại TP.HCM cung cấp các giải pháp tài chính thiết yếu cho khách hàng và doanh nghiệp Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển và kinh doanh của họ”.

Nhân dịp khai trương chính thức chi nhánh ngân hàng UOB tại Hà Nội, UOB Việt Nam đã trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hà Nội Mới nhằm hỗ trợ 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội mua dụng cụ học tập và sách vở trước thềm năm học mới.

Động thái mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc khai trương chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội phần nào được lý giải thông qua những nghiên cứu chuyên sâu của nhóm chuyên gia Ngân hàng UOB về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Báo cáo kinh tế “Việt Nam: Điểm sáng của châu Á giữa bối cảnh căng thẳng thương mại” của Ngân hàng UOB đã chỉ ra rằng, nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu trong nước và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là động lực chính thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Điều này có thể giúp Việt Nam mở rộng quy mô nền kinh tế ở mức từ 28,5 tỷ USD đến 62,1 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 7 - 16%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Với những thế mạnh như vị trí địa lý gần Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ, mức lương cạnh tranh, đặc quyền thương mại đến từ nhiều phía và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầu tư, hút vốn FDI hấp dẫn ở châu Á, tạo nên hướng tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong những năm tới.

Tin liên quan
Tin khác