Lần đầu tiên đoàn Việt Nam đoạt giải Nhì tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (ISEF)
Báo cáo về kết quả của học sinh Việt Nam tại các Kỳ thi Olymoic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong năm 2024, Việt Nam đã có 7 đoàn dự thi Olympic quốc tế và khu vực, với tổng cộng 38 học sinh xuất sắc nhất tham gia. Kết quả đạt được vượt hơn với các năm trước, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. So với năm 2023, tăng 4 Huy chương Vàng và tăng 3 Huy chương Bạc, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ về chất lượng giáo dục mũi nhọn của Việt Nam bên cạnh chất lượng đại trà.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các em học sinh giành thành tích tại Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024. |
Năm 2024 cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên đoàn Việt Nam đạt giải Nhì tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (ISEF) tổ chức tại Hoa Kỳ, khẳng định tiềm năng cho sự phát triển giáo dục sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
“Nếu nhìn xa hơn kết quả trong 5 năm, giai đoạn 2020-2024, số lượng huy chương vàng, bạc và tổng số huy chương đều tăng qua từng năm, vị trí top 10 của Việt Nam ở hầu hết các môn thi được giữ vững, nhiều môn đã vươn lên top 2, top 3 thế giới”, ông Huỳnh Văn Chương thông tin, đồng thời nhấn mạnh tới các yếu tố làm nên thành tích của học sinh Việt Nam trên các “đấu trường” trí tuệ quốc tế.
Dựa trên nguyên tắc cốt lõi là trước hết phải đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để tạo điều kiện làm tốt cho chất lượng mũi nhọn, đồng thời Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học đối với các học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế, tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.
Đó là là những đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD&ĐT, như: Tiếp tục tổ chức sớm Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế. Đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giảng viên có năng lực, giáo viên giỏi, tâm huyết trên toàn quốc giới thiệu để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi.
Tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, huy động cựu học sinh đã đoạt giải Olympic quốc tế, khu vực cũng như động viên các giáo sư, tiến sỹ người Việt giảng dạy ở các trường Đại học nước ngoài bồi dưỡng thêm cho đội tuyển nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tập huấn các đội tuyển Olympic.
Đó là những nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn; đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các em học sinh trong các đội tuyển quốc gia; công lao của các nhà trường THPT, của các cấp trong hệ thống giáo dục; sự tận tụy của các thầy cô giáo ở các trường THPT chuyên, các thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển tham gia Olympic khu vực và quốc tế.
Từ kết quả tại các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế những năm qua, ông Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm 2025, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức hội thảo bàn về việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đóng góp của nguồn nhân lực mũi nhọn, nhân tài của đất nước trong thời gian qua và lắng nghe ý kiến đóng góp để làm tốt hơn nữa trong thời gian đến; trong đó sẽ xây dựng thông tin, cơ sở dữ liệu của tất cả các học sinh của các đoàn dự thi Olympic quốc tế trong 50 năm qua.
Bộ GD&ĐT cũng cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các em học sinh phát huy tối đa năng lực, trở thành những nhân tài thực sự, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của đất nước.
“Chúng em hiểu, trách nhiệm đặt trên vai mình không chỉ là thành công cá nhân”
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, PGS.TS Đinh Đoàn Long, Trưởng đoàn Olympic Sinh học quốc tế năm 2024 (IBO2024) bày tỏ sự tự tin, tự hào: “Dù thực tế đất nước còn vô vàn khó khăn, nền tảng thực tiễn của các ngành công nghiệp, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo còn hạn chế, đặc biệt đối với các môn khoa học tự nhiên và công nghệ, trong đó có Công nghệ Sinh học (vốn luôn được coi là thế mạnh riêng có của những nước giàu) thì thành tích của 8 đoàn học sinh Việt Nam dự các kì thi Olympic quốc tế và khu vực, với tổng cộng 38 học sinh tham gia đều đạt thành tích cao là một kết quả vượt bậc so với mặt bằng nền kinh tế và công nghiệp của nước ta so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Em Đỗ Phú Quốc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, tỉnh Quảng Nam - Huy chương Vàng Olympic quốc tế Hoá học 2024. |
“Riêng với môn Sinh học, năm 2024 ghi nhận cả 4 học sinh dự thi đều dành thành tích cao, với 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, xếp thứ 3 toàn đoàn, là thành tích chung cao nhất từ trước tới nay. Đây là lần thứ 2, đoàn lặp lại thành tích về số huy chương, nhưng có sự khác biệt là lần này có đầy đủ 81 quốc gia thành viên dự thi gồm đủ các nước có nền Sinh học phát triển hàng đầu thế giới, so với năm 2019 (tổ chức tại Iran) chỉ có 56 quốc gia dự thi và vắng một số nước phát triển, như Mỹ, Anh”, PGS.TS Đinh Đoàn Long thông tin.
Tự hào mang về hai tấm huy chương cao quý - Bạc và Vàng - lần lượt vào các năm 2023 và 2024 tại Olympic Sinh học quốc tế cho Việt Nam, em Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ: Chúng em, những người trẻ của thời đại mới hiểu rằng, trách nhiệm đặt trên vai mình không chỉ là thành công cá nhân. Đó còn là sứ mệnh mang những giấc mơ lớn lao của dân tộc, là nghĩa vụ kế thừa và phát triển những giá trị cao quý mà bao thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.
Còn đối với em Đỗ Phú Quốc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - Huy chương Vàng Olympic quốc tế Hoá học 2024, được tham gia một kỳ thi Olympic quốc tế là điều mà trước đây em cũng chưa từng dám mơ ước.
“Bởi, thực sự với một học sinh ở vùng đất xa xôi Quảng Nam như em, để có một cơ hội tham dự một kỳ thi Olympic quốc tế là điều không dễ dàng. Nếu nói về hành trình em đã trải qua để được có mặt ở đây, trong buổi lễ trao thưởng đầy vinh dự này, có lẽ là hành trình của sự đam mê khoa học, sự kiên trì, miệt mài từng ngày của cả thầy và trò. Những thành tích mà em đạt được ngày hôm nay cũng không thể tách rời khỏi sự đồng hành, ủng hộ hết mình của các cấp lãnh đạo, tình yêu thương, sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Em trân trọng và cảm ơn về điều đó" - em Đỗ Phú Quốc chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận, chúc mừng thành tích của các em học sinh, của các thầy cô, nhà trường và đây cũng là thành quả của giáo dục Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương trao kỷ niệm chương cho các em học sinh được tuyên dương. |
Theo Thứ trưởng, các em có thành tích vượt trội nhưng mới là khởi đầu, hành trình còn dài, tuổi đời các em còn trẻ, cuộc đời các em mới có một thuận lợi mà thôi. Các em nên nâng niu, trân trọng kết quả hôm nay, các em mới 18-19 tuổi đã có thành quả nhưng hãy tiến bước, dấn thân và con đường tới đây còn nhiều vất vả, gian nan. Hành trình đó các em tiếp tục học tập, nghiên cứu, hy sinh, vượt lên chính mình. Các em đã có những nhân tố đầu tiên, nhưng ngọc có mài mới sáng.
“Các em sẽ tiếp tục học tập, học tập ở bất kỳ môi trường nào. Đây là cơ hội đặc biệt nếu các em nắm được, đất nước bước sang vận hội mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, tạo xung lực cho bước phát triển trong kỷ nguyên mới. Những học sinh xuất sắc sẽ là nhân tố nhận lấy trách nhiệm này để tiên phong trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Sứ mệnh này trao cho các em. Với các em yêu cầu càng cao, trách nhiệm càng lớn. Giao trách nhiệm chắc chắn là sự tin tưởng, trân quý các em. Tôi gửi một niềm tin quyết thắng tới tất cả các em”, Thứ trưởng gửi gắm.