Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) |
Trước khi nói đến dấu mốc ý nghĩa của ngành gỗ trong năm 2020 với kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt hơn 13,1 tỷ USD, tiếp tục đà tăng trưởng 2 con số của 2 năm trước đó, thì có lẽ, chúng ta nên nhắc đến một sự kiện quan trọng vào ngày 8/8/2018, thưa ông?
Khi ấy, lần đầu tiên, ngành gỗ có một hội nghị mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đó là một bước ngoặt hết sức quan trọng.
Thực tế, với định kiến của xã hội rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ tiếp tay cho nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép…, thì chúng tôi buộc phải phát triển một cách âm thầm trong nhiều năm qua. Cho đến khi có sự kiện năm 2018, quan điểm khẳng định về việc các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam chỉ sử dụng gỗ hợp pháp mới được chú ý hơn.
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng giao ngành phải vươn lên vị trí thứ 2 thế giới trong 5 năm kế tiếp (tính từ khi Hội nghị diễn ra) và kết quả năm 2020 cho thấy, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng giao trước 2 năm. Từ vị trí thứ 5, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Italy, chỉ đứng sau Trung Quốc, về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.
Ngành gỗ đối với Việt Nam là rất quan trọng và đang sử dụng khoảng 1 triệu lao động.
Đây là ngành duy nhất trong vòng 8 năm qua tăng trưởng 2 con số và trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ đạt 3,7 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước.
Liệu đà tăng trưởng này có tiếp tục được duy trì trong các năm tới?
Trong 2 năm tới, chúng ta vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng này, nhưng để đạt được, cần phải có rất nhiều điều kiện.
Dù đã ở hạng nhì, nhưng khoảng cách với Trung Quốc (nước đứng vị trí số 1) còn rất lớn. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đạt 52 tỷ USD.
Chúng ta cũng chỉ chiếm chưa tới 6% tổng thị trường lâm sản toàn cầu, nên đó là cơ hội để phát triển từ nay đến năm 2045.
Chuỗi cung ứng đang chuyển dịch rất nhiều cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đang ngày càng trưởng thành hơn, xuất những đơn hàng lớn về giá trị.
Để đạt kỳ vọng tăng trưởng, điều kiện mà ông nhắc đến là gì?
Thứ nhất, chúng ta phải xây dựng được một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, xem đây là một ngành quan trọng không thua kém những ngành khác.
Thứ hai, phải đầu tư nhiều vào công nghệ, đồng thời tích cực chuyển đổi số.
Thứ ba, phải tạo ra được giá trị gia tăng cho ngành, bằng cách không chỉ làm gia công như hiện nay, mà phải có hàm lượng chất xám để có thể xuất khẩu những mặt hàng do chúng ta thiết kế. Như vậy, tính bền vững mới được khởi tạo và duy trì.
Có thách thức nào cần được nhìn nhận và giải quyết để có “một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân trẻ” như ông nói?
Tôi đang lo là làm sao để các doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện để phát triển sản xuất. Bây giờ, muốn có diện tích lớn làm xưởng cũng khó, giá thuê tăng và việc tuyển dụng lao động không dễ… Cần xem miếng bánh mà doanh nghiệp Việt Nam có được là bao nhiêu trong tổng thể phát triển của ngành.
Thế hệ doanh nhân trẻ trong ngành được đào tạo bài bản, có thể tiếp cận trực tiếp tại các thị trường nước ngoài, năng động, nhiều sáng tạo và đặc biệt, có những bạn không xuất phát từ doanh nghiệp gia đình làm trong ngành gỗ, mà muốn start-up trong ngành gỗ.
Nhiều nhà thiết kế trẻ, doanh nghiệp trẻ đầu tư vào ngành gỗ, góp phần trẻ hóa ngành gỗ là một điều tốt cần khuyến khích.
Tuy còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nhưng tôi tin rằng, họ sẽ học rất nhanh.