Thế giới hiện có hơn 6.500 nhà máy điện than với tổng công suất đạt 2.067 GW. Ảnh: AFP |
Báo cáo cập nhật thường niên do Urgewald và 40 đối tác tổ chức phi chính phủ công bố ngày 6/10 cho thấy có 490 trong số 1.064 công ty trong Danh sách thực hiện cắt giảm điện than toàn cầu (GCEL) đang theo đuổi các dự án nhà máy điện than, mỏ than hoặc cơ sở hạ tầng vận chuyển than mới.
Như vậy, việc 46% các công ty này mở rộng hoạt động đã đi ngược với thỏa thuận toàn cầu về việc cắt giảm tiêu thụ than đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào năm ngoái.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Urgewald và 40 đối tác tổ chức phi chính phủ, chỉ có chưa đẩy 3% trong số những công ty được khảo sát cho biết sẽ kịp thời cắt giảm điện than.
Bà Heffa Schuecking, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Urgewald cho rằng: "Theo đuổi các dự án than mới trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu là hành vi liều lĩnh, vô trách nhiệm". Nữ chuyên gia kêu gọi, các nhà đầu tư, ngân hàng và công ty bảo hiểm nên loại bỏ các nhà phát triển than này khỏi danh mục đầu tư ngay lập tức.
Than là nhiên liệu hóa thạch có mức phát thải carbon cao nhất và do đó loại nhiên liệu này là mục tiêu hàng đầu phải cắt giảm sử dụng trong quá trình thế giới chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu. Chỉ trong vài tháng qua, lũ lụt lịch sử đã nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan, trong khi châu Âu trải qua mùa hè nóng nhất trong 500 năm, còn Trung Quốc ghi nhận đợt nắng nóng gay gắt nhất trong lịch sử khí hậu.
Trong khi đó, một số chính phủ ở châu Âu vẫn miễn cưỡng quay lại sử dụng than để bù đắp nhu cầu nhiên liệu trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu lục này giảm mạnh. Nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU bị siết chặt sau khi khối này áp các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow nhằm đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Phát biểu trước khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 diễn ra ở Sharm el-Sheikh vào tháng tới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: "Chúng ta đang trong cuộc chiến sinh tử vì sự an toàn của chính chúng ta hôm nay và sự sống còn của chúng ta ngày mai".
"Đây không phải là lúc để đổ lỗi hay mặc kệ. Đã đến lúc cần có sự thỏa hiệp năng lượng giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi", ông Antonio Guterres nói thêm.
Báo cáo của các tổ chức phi chính phủ cho biết thế giới hiện có hơn 6.500 nhà máy điện than với tổng công suất 2.067 GW; đồng thời khuyến cáo nhân loại hạn chế được mức nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C hay không thì phụ thuộc "trước hết vào việc chúng ta nhanh chóng loại bỏ các nhà máy điện than ra sao".
Mức tăng 1,5 độ C là giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng lên được đề cập trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Nó được công nhận là một mục tiêu toàn cầu quan trọng bởi vì vượt quá mức này, hệ thống khí hậu sẽ đi đến một điểm giới hạn - một ngưỡng mà khi vượt quá, có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong hệ thống khí hậu.
Đại đa số các công ty có trong Danh sách thực hiện cắt giảm điện than toàn cầu vẫn không có ý định loại bỏ các dự án than, điều này dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống khí hậu.
Theo lộ trình được công bố vào tháng 5/2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, các quốc gia giàu nhất thế giới phải ngừng hoạt động các nhà máy điện than vào cuối thập kỷ này, còn đối với các nơi khác trên thế giới thì chậm nhất vào năm 2040.
Tuy nhiên, các quốc gia giàu mạnh như Italia, Pháp và Anh, Mỹ vẫn chưa ấn định thời điểm cho ngừng hoạt động các nhà máy điện than.
Bà Heffa Schuecking, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Urgewald, cho biết kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 được ký kết, sản lượng của các nhà máy điện than toàn cầu đã tăng ròng khoảng 157 GW. Con số này tương đương với tổng sản lượng của các nhà máy điện than ở Đức, Nga, Nhật Bản và Ba Lan.
Theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, các dự án điện than mới được quy hoạch ước tính có thể cung cấp cho thế giới 467 GW. Và nếu đi vào hoạt động, các dự án này sẽ tăng 23% công suất điện than hiện nay của thế giới.
"Việc ngừng đầu tư hoặc cấp vốn cho các nhà phát triển điện than là điều không cần phải bàn cãi. Điều tôi chưa nhìn thấy là làm thế nào để mọi người có thể nghiêm túc với các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris hoặc trở thành một tổ chức/thực thể quý trọng khí hậu nếu bạn vẫn phải hợp tác với các nhà phát triển than", bà Schuecking nhấn mạnh.