Đây là kênh thông tin để thí sinh tham khảo trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay. Theo đó, kinh doanh và quản lý là lĩnh vực đào tạo thu hút thí sinh nhất - với 24,54% thí sinh trúng tuyển đã nhập học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thống kê về tỷ lệ tuyển sinh đại học theo các lĩnh vực đào tạo trong năm 2022. |
Đứng ở vị trí thứ hai là lĩnh vực đào tạo máy tính và công nghệ thông tin - với 11,79% số thí sinh trúng tuyển đã nhập học.
8 lĩnh vực còn lại trong nhóm 10 lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh đại học cao nhất năm 2022 gồm: Công nghệ kỹ thuật, nhân văn, sức khỏe, khoa học xã hội và hành vi, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, kỹ thuật, pháp luật, kiến trúc và xây dựng. Trong đó, ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên xếp thứ 7 trong nhóm, với tỷ lệ tuyển sinh đạt 5,09%.
Năm 2022, cả nước có 1.011.589 thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Có hơn 521.000 thí sinh trúng tuyển đã nhập học, đạt hơn 83% trong tổng chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo.
Cũng theo theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm qua 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.
Trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do các nguyên nhân như: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Để chuẩn bị cho tuyển sinh đại học 2023, đại diện Bộ này khuyến cáo các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, cùng sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường và chọn ngành của thí sinh.
Trường cũng cần đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.
Liên quan tới các mốc thời gian thi, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về thời gian tổ chức xét tuyển thẳng, thí sinh hoàn thành việc nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường trước 17 giờ ngày 30/6.
Ngày 5/7, cơ sở đào tạo hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên hệ thống.
Từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 15/8 là khoảng thời gian hoàn thành xét tuyển thẳng; xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
Về thời gian tổ chức xét tuyển sớm, đến 17 giờ ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Về thời gian đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống: Từ ngày 5-11/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định, từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7.
Ngày 20/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Đến 17 giờ ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).
Từ ngày 26/7 đến 17 giờ ngày 5/8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17 giờ ngày 14/8.
Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống vào 17 giờ ngày 30/8.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2023, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay rút ngắn chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là một tháng.
Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với năm trước, để các cơ sở đào tạo có thể khai giảng vào đầu tháng 9.
Nói về kỳ thi năm nay, theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định. Tuy nhiên, có điểm mới là áp dụng điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 (điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần;
Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp).