Đề án này được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh người bệnh trong nước ra nước ngoài khám chữa bệnh (và người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh đều có chiều hướng tăng cao.
Theo Bộ Y tế, đề án sẽ được triển khai ở các TP lớn gồm Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Đối tượng thụ hưởng của đề án gồm người Việt Nam có thu nhập cao, có điều kiện chi trả tốt; người Việt Nam có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao; đồng bào Việt kiều về thăm quê hương; người nước ngoài đang làm việc, học tập tại Việt Nam và người nước ngoài có nhu cầu sang Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và khám chữa bệnh.
Để đáp ứng tham gia đề án này, các bệnh viện phải đăng ký và thông qua giai đoạn thẩm định đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị; chuyên môn; tài chính; chất lượng khám chữa bệnh; vị trí địa lý và cam kết của lãnh đạo bệnh viện - chính quyền địa phương.
Kéo “ngược” hơn 2 tỷ USD/năm
Theo Bộ Y tế, trong nhiều năm qua ngành y tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các bệnh viện hạt nhân chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh. Khoảng 85% số bệnh viện vệ tinh có xu hưởng giảm chuyển tuyến.
Đặc biệt, có nhiều bệnh viện thực hiện thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến ngang tầm thế giới như phẫu thuật sử dụng rô-bốt, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, điều trị ung bướu, nội khoa, sản khoa, tim mạch, truyền nhiễm. Ngoài ra, nhiều bệnh viện đã thực hiện các kỹ thuật ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc… mang tính thường quy.
Tuy vậy, theo Bộ Y tế, điều đáng tiếc nhất hiện nay là chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng, cơ chế giá chưa phù hợp nên một bộ phận người có thu nhập cao không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước mà ra nước ngoài điều trị. Ước tính khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỷ USD/năm.
Bộ Y tế cho rằng chính điều này kéo theo hàng loạt hệ lụy như làm giảm uy tín cho hệ thống bệnh viện, giảm nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia, người bệnh phải chịu chi phí điều trị lớn và mất thêm thời gian di chuyển, phiền hà.
Kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành nền "công nghiệp y tế"
Ở chiều hướng ngược lại, theo Bộ Y tế, trong năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận khoảng 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám chữa bệnh. Trong đó có 57.000 người điều trị nội trú.
Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh (Bộ Y tế) vừa thực hiện tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện cho thấy lượng người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh càng tăng cao. Cụ thể, 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến.
Các bệnh viện tuyến trung ương được người nước ngoài tìm đến khám chữa bệnh nhiều nhất gồm Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cơ sở 1, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trương ương Quảng Nam… Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu điều trị các bệnh về da, viêm phổi, viêm phế quản, chấn thương do tai nạn giao thông, gãy xương, khám sức khỏe, sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch…
Trước tín hiệu trên, Bộ Y tế cho rằng việc xây dựng đề án "thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030" là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ngoài trình độ tay nghề, trang thiết bị hiện đại, một trong nhiều lý do mà Bộ Y tế đưa ra để "kéo" người nước ngoài đến khám chữa bệnh là chi phí dịch vụ y tế ở nước ta thấp hơn so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
"Các kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ cho đến những kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật nội soi, ung bướu, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng... rõ ràng hiệu quả về mặt kinh tế y tế cho người bệnh tại Việt Nam cao hơn nếu so sánh với các kỹ thuật tương tự được thực hiện tại các nước phát triển", dự thảo đề án của Bộ Y tế nêu.
Với đề án này, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu hút du lịch -sức khỏe - y tế - nghỉ dưỡng trong vòng 20 năm tới, đóng góp ngoại tệ cho ngân sách quốc gia, tạo động lực nâng cấp hệ thống bệnh viện trở thành nền "công nghiệp y tế" trong tương lai.