Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập. |
Thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm.
Đó là thông tin được nêu tại báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi đến các vị đại biểu.
Một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Nhưng, từ cuối năm 2018, sau giám sát, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu thực tế: Lẽ ra phải là những người gương mẫu nhất thì nhiều Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh không những đà lười đến toà mà lại còn chây ì trong thi hành án hành chính.
Lúc đó, Chính phủ cũng nhận định, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên toà có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm 2017 tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiên luật tố tụng hành chính 2015. Cụ thể, năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93 % và đến 2017 tăng đến 31,69%.
Cũng trong năm 2018 Thủ tướng đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, tranh tụng, đối thoại, thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định.
Thống kê từ 1/10/2019 đến 31/3/2020, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 1.368 bản án, quyết định về vụ án hành chính. Bên cạnh đó, còn có 324 bản án, quyết định từ kỳ trước chuyển sang có nội dung tiếp tục theo dõi. Kết quả thi hành xong 138 việc và đang tiếp tục thi hành 441 việc.
Số lượng án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong còn nhiều có lý do từ việc một số Chủ tịch UBND và UBND chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính.
Sự thiếu quan tâm này thể hiện từ khâu trước đó - quá trình xét xử tại toà.
Báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp nhắc lại nhận định của Chính phủ từ năm 2018: tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Tuy nhiên báo cáo không có con số so sánh cụ thể.
Bộ trưởng Lê Thành Long nói rõ hơn là có những địa phương, sau khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó Phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập, theo báo cáo của Bộ trưởng.