Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (bên trái) và bị cáo Đinh La Thăng (bên phải) |
Theo quyết định đưa đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử xác định bị hại trong vụ án là Bộ Giao thông - Vận tải. Cạnh đó, Hội đồng xét xử triệu tập 14 pháp nhân và 11 cá nhân tới tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đồng thời, các bị cáo hầu tòa nguyên là lãnh đạo bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các đơn vị trực thuộc, gồm: Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng bộ GTVT từ tháng 8/2011 – 02/2016), Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 4/2007 – 8/2017), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng vụ Tài chính, Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên vụ Tài chính), Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Tổng công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng công ty Cửu Long), bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Trong phiên tòa sắp tới, ông Thăng có 6 người bào chữa gồm các luật sư Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) và Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn, Nguyễn Văn Túy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Cáo trạng xác định với vai trò Bộ trưởng, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại Bộ GTVT, ông Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.
Ông Thăng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn… Tuy nhiên, ông Thăng đã làm trái với quy định của Nhà nước dẫn đến sai phạm gây thiệt hại hơn 725 tỷ đồng bị Út “trọc” chiếm đoạt.
Trong vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn xác định nhiều người liên quan có sai phạm nhưng chưa tới mức phải xử lý hình sự, trong đó có ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT.
Cáo trạng cho rằng, việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh (của bị cáo Hệ) có một phần trách nhiệm của ông Thể, nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại trong vụ án. Do đó, cơ quan tố tụng không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thể.
Theo dự kiến, vụ xét xử sẽ kéo dài đến ngày 25/12, do thẩm phán Huỳnh Văn Trực (Phó chánh tòa hình sự – Tòa án nhân dân TP.HCM) làm chủ tọa. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM tham gia phiên tòa gồm: Ông Nguyễn Mạnh Thường, ông Lê Hữu Ngọc, ông Tô Hữu Thông, bà Trần Thị Liên và ông Ngô Phạm Việt.
Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng cũng bị 2 bản án tổng hợp 30 năm tù. Cụ thể là liên quan đến sai phạm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng khi đầu tư vào OceanBank, cố ý làm trái xảy ra tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng đã bị Tòa Quân sự Trung ương bác kháng cáo y án 20 năm tù về tội lừa đảo trong vụ sai phạm 3 khu đất quốc phòng đường Tôn Đức Thắng. Tổng hợp với bản án 12 năm tù tòa đã tuyên năm 2018, bị cáo Hệ phải chấp hành chung là 30 năm tù.
Sau phiên xử tại TP.HCM, dự kiến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ông Thăng còn phải hầu tòa tại Hà Nội liên quan đến vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ethanol Phú Thọ.