Một góc TP. Vinh - một trong 2 động lực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang Vinh |
Xác định nội lực trên cơ sở thế mạnh
Công tác lập quy hoạch được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Nghệ An, quyết định sự phát triển dài hạn của tỉnh trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 là một nội dung mới và nhiều khó khăn đối với các sở, ban, ngành trong tỉnh, nhất là trong bối cảnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính quyền tỉnh, hồ sơ Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh; Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh; Báo cáo 49 nội dung tích hợp các ngành, lĩnh vực, địa phương; Hệ thống bản đồ liên quan) đã được xây dựng, hoàn thiện và được các cấp có thẩm quyền thông qua trước khi được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt vào tháng 9/2023.
Việc Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra những dư địa phát triển mới rõ nét cho tỉnh. Quy hoạch cũng trở thành chìa khóa quan trọng để Nghệ An có thể hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, những năm gần đây, Nghệ An có những bước đột phá tích cực về thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành công bước đầu này gắn liền với sự thống nhất trong chỉ đạo từ cấp ủy đến chính quyền, tạo nên sự đồng thuận rất lớn cho mọi quyết định liên quan đến sự phát triển địa phương.
“Chúng tôi xác định, những nhà đầu tư có tiềm lực, có tâm huyết đến địa phương, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển Nghệ An thì cả lãnh đạo cao nhất Tỉnh ủy và UBND tỉnh đều có mặt để tiếp đón, chia sẻ với nhà đầu tư. Đây là điều mà Nghệ An đã và đang làm, tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư khi đến Nghệ An”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, sự thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền tỉnh Nghệ An không chỉ dừng lại ở điều hành, mà còn thể hiện rõ trong việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đặc biệt, các cấp, các ngành của tỉnh Nghệ An đã nhiều lần thảo luận để lựa chọn phương án tốt nhất, phù hợp nhất với điều kiện phát triển của Nghệ An, từ đó vạch ra lộ trình phát triển, những cơ sở tạo nền tảng để địa phương phát triển bền vững.
Sự sáng tạo này dễ dàng được nhận thấy từ việc xác định đâu là động lực để Nghệ An bứt phá. Theo đó, chiến lược phát triển Nghệ An được gói gọn trong công thức “2-3-4-5-6” đầy nội hàm, bao quát tất cả những yếu tố nổi bật, cốt lõi giúp Nghệ An vươn mình.
Hai khu vực động lực tăng trưởng
Theo công thức “2-3-4-5-6”, Nghệ An xác định 2 khu vực động lực tăng trưởng chính của tỉnh là TP. Vinh và Khu kinh tế Đông Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, việc phát triển TP. Vinh, hay nói rõ hơn là mở rộng TP. Vinh là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2030. Vai trò của TP. Vinh đã được nêu rõ trong Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vai trò của TP. Vinh một lần nữa được khẳng định là khu vực động lực tăng trưởng cho Nghệ An.
Theo Quy hoạch, phạm vi mở rộng TP. Vinh bao gồm TP. Vinh hiện tại, thị xã Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc. Trong tương lai, TP. Vinh sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ của khu vực Bắc Trung bộ và phát triển đô thị gắn với công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Dự kiến, đến năm 2030, quy mô đô thị Vinh khoảng 800.000 người.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, bên cạnh vai trò vị thế của đô thị Vinh, Quy hoạch tỉnh Nghệ An còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò Khu kinh tế Đông Nam. Đây được xác định là một trong 2 khu vực động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An trong tương lai.
Trên thực tế, những gì đang diễn ra tại Khu kinh tế Đông Nam cho thấy điều đó. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, năm 2023, mặc dù kinh tế - xã hội cả nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Nghệ An vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt với con số 7,14%, đứng thứ 26 trên cả nước; thu ngân sách nhà nước toàn tỉnh ước đạt 18.136 tỷ đồng.
Trong bức tranh chung về kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An năm 2023, thu hút đầu tư được xem là một dấu ấn cực kỳ nổi bật. Theo đó, lũy kế năm 2023, tỉnh đã cấp mới cho 116 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 47.000 tỷ đồng; điều chỉnh 185 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 49 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 57.891 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn với hơn 1,6 tỷ USD. Nghệ An tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Việc các chỉ tiêu kinh tế và thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật như trên có vai trò không nhỏ từ Khu kinh tế Đông Nam - nơi “hội tụ” đông đảo các “sếu đầu đàn” về “xây tổ” và mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các địa phương. Có thể nói, đây không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà nhờ vào một chiến lược đúng đắn dựa trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh thực sự của tỉnh Nghệ An.
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, Nghệ An đã kiên trì mục tiêu rất đúng đắn từ những năm 2014, 2015, 2016 và cho đến nay, đó là kiên định để hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
“Trên cơ sở các quy định pháp luật, các chủ trương đầu tư, giấy phép đầu tư…, Nghệ An tập trung chỉ đạo các địa phương liên quan và vai trò đầu mối là Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, cũng như các sở, ngành có liên quan để hỗ trợ thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, các nhà đầu tư hạ tầng có cơ sở triển khai hạ tầng, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho việc thu hút đầu tư”, ông Trị cho hay.
Theo đó, nhờ việc vạch ra lộ trình cụ thể, Nghệ An từng bước thu hút được các nhà đầu tư phát triển hạ tầng tầm cỡ như VSIP, Hoàng Thịnh Đạt, WHA… “Đây là những tên tuổi đã gắn liền với quá trình thu hút đầu tư thành công của các tỉnh Bình Dương, Quảng Ngãi, Thái Nguyên… trước đây. Chính kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp và tiềm lực của các nhà đầu tư hạ tầng này đã hình thành cầu nối cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Nghệ An gần đây”, ông Lê Tiến Trị nói thêm.
Với những nền tảng và điều kiện đã có, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, Khu kinh tế Đông Nam có 15 khu công nghiệp trong khu kinh tế và 8 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế; đến năm 2050 có 22 khu công nghiệp. Mục tiêu này không quá xa với Nghệ An nếu dựa trên tình hình hiện tại và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, thông qua việc đầu tư hạ tầng kết nối, các dịch vụ hỗ trợ kèm theo, cũng như chính sách hỗ trợ nhà đầu tư.
Tất nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, 2 khu vực động lực tăng trưởng trên được sự hỗ trợ rất khoa học của các nhân tố khác từ công thức “2-3-4-5-6”, bao gồm “3 đột phá” chiến lược, “4 hành lang kinh tế”, “5 trụ cột phát triển” và “6 trung tâm đô thị”. Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đức Quý nhận xét, trong nhóm công thức này, việc lựa chọn các nhóm ngành chủ lực phù hợp sẽ giúp Nghệ An tận dụng được các điều kiện sẵn có để phát triển nhanh hơn, bao gồm công nghiệp, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển.
“Có thể thấy, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có định hướng sáng tạo, khác biệt, từ đó có thể tạo nên bước phát triển tích cực cho Nghệ An trong tương lai gần”, TS. Quý chia sẻ.