- Điều anh hài lòng và chưa hài lòng sau vai ông Sơn "Về nhà đi con"?
Với những phản hồi tích cực, chúng tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, đặt gần như hết tâm sức của mình vào phim.
Phim vừa quay vừa phát sóng, hiệu ứng của khán giả giúp toàn bộ ê-kíp cảm hứng khi làm được tăng lên nhiều. Chúng tôi như được khích lệ. Tôi cứ đặt giả thiết là vừa quay vừa phát sóng mà phim chìm thì không hiểu tâm trạng của tôi như thế nào nữa.
Tối hôm phát sóng tập cuối, rất tiếc tôi không có ở nhà để xem. Nhiều người còn gọi điện cho tôi hỏi tôi xem ở đâu để tới xem cùng. Tôi cũng tiếc nuối khi phim hết, mặc dù phim nào rồi cũng có hồi kết thôi.
Tôi xem bình luận trên mạng thấy nhiều người thốt lên: Lâu lắm rồi mới xem phim Việt Nam; Từ nay sẽ xem phim truyền hình của Việt Nam,...Không phải Về nhà đi con mà Quỳnh búp bê, Người phán xử đều nhận được sự quan tâm của khán giả. Tôi nghĩ sự chuyên nghiệp của phim Việt được nâng cao chính là điều mà tôi hài lòng.
Điều tôi chưa hài lòng, vẫn như các phim khác, khi xem lại đôi khi vẫn có sạn. Nhìn chung về một bộ phim như thế khó có điều gì toàn diện, có đoạn này chưa được, đoạn kia chưa hoàn thiện.
Nghệ sĩ Trung Anh còn tiếc nuối vì 'Về nhà đi con' còn sạn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
- Anh có thể chia sẻ về phần ngoại truyện, ông Sơn có về với cô Hạnh không? Kết tập 85 không nói gì chuyện ông Sơn bà Hạnh khiến khán giả hơi tiếc.
Ngoại truyện là 5 tập tri ân khán giả, câu chuyện đều vui vui, với sự hiểu nhầm nhau, chứ không nặng nề như chính chuyện. Ông Sơn không về với bà Hạnh đâu. Phần chính truyện, ông Sơn với bà Hạnh đã ngồi nói chuyện với nhau rõ ràng rồi. Ngoại truyện không nói gì về bà Hạnh và có 2 nhân vật rất đặc biệt. 2 nhân vật coi như là nữ đi, 1 rất trẻ và 1 phụ nữ, nói chung là 2 nhân vật siêu bất ngờ (cười).
Kết của câu chuyện ông Sơn và bà Hạnh là do tôi đề xuất. Từ đầu đoàn làm phim muốn ông Sơn và bà Hạnh lấy nhau nhưng tôi đề xuất là không. Kết mà về với nhau, tôi cảm thấy có gì đó... Nói chung chỉ là cảm giác của người diễn viên, còn tôi không biết diễn đạt thế nào. May ekip đồng ý.
- Anh đánh giá cao diễn viên nào trong phim? Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất của anh khi đóng bộ phim này?
Thật ra, trong số các diễn viên trẻ, tôi ấn tượng với diễn xuất của Bảo Thanh. Tôi diễn với Bảo Thanh khá nhiều, tôi nhớ có lần tôi viết trên trang cá nhân rằng, những biểu cảm trên gương mặt của Bảo Thanh thay đổi liên tục, kể cả vui cũng không phải một nét mặt. Còn buồn thì, khỏi phải nói, gọi Bảo Thanh là "nữ hoàng nước mắt" cũng chẳng sai.
Kỷ niệm thì quá nhiều, nhưng không khí làm phim khiến cho tôi cảm giác như một gia đình, thân thiết vô cùng. Đúng như cô bé Dương nói, đây là một gia đình đi đóng phim chứ không phải là đi đóng phim về gia đình. Các cảnh quay chúng tôi được sự bàn bạc với đạo diễn sáng tạo hơn nhiều. Kịch bản đôi khi có chỗ trầm, bi luỵ nhưng khi chúng tôi góp ý với đạo diễn để thay đổi, đạo diễn cũng đồng ý.
Phim chủ yếu quay ở Hà Nội, nên chúng tôi không có nhiều khó khăn trong lúc quay. Bảo Hân là cô bé khiến đoàn luôn có nhiều tiếng cười. Cô có 2 lần ngã đập mặt vào máy quay nhưng vẫn cười toe toét. Bảo Hân còn hay nói nhịu vì phải tập nói nhanh mà còn phải rõ tiếng nên mới thế.
Hôm họp báo ra mắt phim, tôi nói điều ngược lại câu hỏi của bạn vừa rồi. Đây là vai diễn mà tôi thấy dễ, tôi quay lại dạng vai quen thuộc tôi đã đóng. Dễ thì với tôi lại nguy hiểm vì dễ thành ra khiến mình nhạt, vô duyên, khó gây ấn tượng. Tôi lo lắng với chữ "dễ" mình phát ngôn.
Kịch bản rất hay nhưng tôi phải bàn lại với biên kịch. Nếu đúng kịch bản thì ông Sơn uỷ mị quá, sến quá, tôi có bàn với biên kịch và đạo diễn sửa một số chỗ. Biên kịch và đạo diễn rất nhất trí với điều đó.
Tôi có nói là ông Sơn mà yếu đuối như thế thì sẽ lấy nhiều vợ chứ chả ở vậy nuôi con.
Thêm nữa, không khí về phim nó bi quá, tôi muốn nó ấm áp hơn. Một số cảnh tôi đã làm được điều đó để cân bằng phim hơn chứ không thì ảm đạm quá. Tôi phải cố gắng nhiều để khắc phục cái dễ thành cái khó.
Ví dụ nhiều cảnh ông Sơn ra bàn thờ nhìn ảnh vợ khóc, cầm ảnh vợ trong phòng ngủ, mỗi cảnh đó tôi chỉ xin giữ một phân đoạn. Cảnh 4 bố con ngồi ăn cơm, cảnh cô Xuyến mang thiệp mời sang để mời cưới... đó là những cảnh mà chúng tôi sáng tác thêm.
- Vai diễn nào gần gũi hơn với tính cách của anh ngoài đời?
Cả Lương Bổng và ông Sơn đều không. Nhưng thực ra khi đóng phim, diễn viên đều có một chút gì của mình trong đó, bất kể vai nào. Với vai ông Sơn nó như là mẫu số chung bất cứ một ông bố nào.
Với Lương Bổng, tôi đưa cái tôi của mình vào nhiều hơn. Trước tôi đọc nhiều tiểu thuyết xã hội đen, tôi thấy những nhân vật đó không chỉ có lạnh lùng, giết người mà còn có cảm xúc, có phút lắng đọng trong đó.
Trung Anh cho biết cuộc sống của anh không nhiều thay đổi sau phim "Về nhà đi con". Ảnh: Lê Anh Dũng |
- Hiệu ứng của “Về nhà đi con” với các diễn viên trẻ rất rõ: từ việc nổi tiếng đến việc chạy show, quảng cáo. Còn với anh thế nào?
Tôi cũng không có nhiều thay đổi. Với lại câu chuyện cát-xê tôi cũng không muốn chia sẻ nhiều. Tôi chỉ muốn chia sẻ về nghề thôi.
- Tôi biết ngoài đời nghệ sĩ Trung Anh có một gia đình hạnh phúc viên mãn, nhưng trong phim Về nhà đi con ông đã thể hiện quá xuất sắc những tâm trạng đau đớn, thất vọng, giằng xé khi vướng vào những bất hạnh của các con, nhất là với Thư. Vậy ông đã có cảm xúc từ đâu?
Đối với người diễn viên, không thể lấy những gì của bản thân mình để diễn. Như thế thì diễn viên quá nghèo nàn. Tôi lấy cảm xúc từ những kinh nghiệm sống, sự quan sát cuộc sống, những thứ tôi lượm lặt được trong quá trình mình chứng kiến. Tôi nghĩ thế, chứ hạnh phúc quá không đóng được vai đau khổ thì...
- Tôi thấy trong phim này anh khóc hơi nhiều, có phải ông Sơn là vai anh phải khóc nhiều nhất không?
So với kịch bản tôi đã giảm thiểu khá nhiều cảnh khóc, tôi để lại những chỗ có diễn biến gia đình, nhân vật. Tôi chỉ chọn cảnh thực sự cần thiết để dồn cảm xúc vào đó, kịch bản tốt nên khi tôi khóc cũng bình thường. Thêm vào đó bạn diễn lại tốt nên có thể mọi người nghĩ cảnh khóc khó nhưng nó là một trong muôn vàn cảm xúc mà mọi người thể hiện.
- Xem “Về nhà đi con” thấy anh là ông bố rất ấm áp, cư xử tôn trọng con cái dành cả cuộc đời gà trống nuôi con nhưng lại luôn dằn vặt cho rằng mình chưa đủ tốt, mình góp phần khiến các con có quyết định sai lầm, ngoài đời Trung Anh là một người bố thế nào?
Trong phim, để dẫn tới cái kết ông Sơn lên chùa, bao sự kiện khiến ông đau buồn, nghĩ tới quyết định của ông với con cái khiến ông cảm thấy chưa đúng. Cho nên, khi ông cho rằng tất cả điều đó làm ảnh hưởng tới con cái rất ghê gớm, ông muốn tĩnh tâm lại, bình tĩnh hơn. Việc lên chùa cũng là ý của tôi, chứ kết phim ban đầu là ông Sơn bị ung thư não cơ. Mà tôi thấy hơi Hàn Quốc quá.
Ngoài đời, tôi là một ông bố nghiêm khắc, cũng thi thoảng tát con một cái. Tất nhiên giờ thì các con lớn rồi, tôi thôi. Tôi là người nóng tính và cục tính.
- Không biết vợ con anh xem phim có nhận xét thế nào?
Vợ chỉ nói đúng một từ với tôi "cũng được". Vợ tôi bận, thường xem sau chứ không xem trực tiếp nên cô ấy cũng không có nhận xét gì nhiều. Bản thân tôi cũng vậy, dù phim vừa phát sóng vừa quay đó nhưng tôi cũng không có thời gian buổi tối để xem. Tôi còn công việc ở Nhà hát Kịch Việt Nam nữa.
- Ngày 12/8 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký phong tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ trong đó có Trung Anh, anh đón nhận tin này ra sao?
Có lẽ bản tính của tôi hơi trầm lặng nên tôi đón nhận cũng bình thản. Tất nhiên cũng vui chứ! Là nghệ sĩ, sau nhiều năm lăn lộn với nghề, ngoài được nhân dân đón nhận ở mỗi vai diễn, giờ nhà nước công nhận nữa, tôi nghĩ bất cứ nghệ sĩ nào cũng vui mừng.